Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

VỀ LUẬN ĐIỆU “THIẾU TAM QUYỀN PHÂN LẬP”



Trong thời gian gần đây, lợi dụng việc chúng ta bắt và đem ra xét xử một số đối tượng là cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật liên quan đến tham ô, tham nhũng, một số đối tượng có quan điểm sai trái, thù địch cho rằng, ở Việt Nam thiếu dân chủ và tự do. Chúng lập luận cái thiếu đó là do chúng ta không thực hiện tam quyền phân lập. Mới đây, Thái Bá Tân (một nhà thơ hay có những luận điệu sai trái, phản động) viết sau khi Đinh La Thăng bị bắt:
“Thiếu tam quyền phân lập
Thì sẽ chẳng có gì,
Chẳng có gì ngoài Đảng…
Giờ ngồi trong nhà lao
Ông Thăng đang suy nghĩ…
Suy nghĩ cả về chuyện
Tự do và nhân quyền..”.
Trong bài viết này, tác giả có đôi lời cho ông Thái Bá Tân có cái nhìn đúng đắn về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tránh phát ngôn tùy tiện.
Trước hết, phải khẳng định, nhà nước pháp quyền là một thành tựu của lịch sử văn minh nhân loại, là một bước tiến lớn về dân chủ, không phải của riêng chế độ tư sản. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền phát triển phong phú, toàn diện, hình thành hệ thống trong học thuyết chính trị - pháp lý gắn liền với thời kỳ các cuộc cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, chuyên chế độc tài và vô pháp luật ở châu Âu thế kỷ 17, 18. Trong đó tư tưởng về tam quyền phân lập của Sáclơ Lui Môngtexkiơ trong “Bàn về tinh thần pháp luật” (1748), được một số nhà nước tư sản coi là lý thuyết xây dựng nhà nước của mình.
Vậy tam quyền phân lập bản chất là gì? Có phải chỉ có tam quyền phân lập như mô hình tư sản mới thực sự bảo đảm tự do, dân chủ của công dân?
Nhìn lại lịch sử, nhà nước pháp quyền tư sản là bước tiến lớn về sự tiến bộ nhà nước so với các nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến trước đó. Sự tiến bộ đó được xem xét ở khía cạnh quản trị xã hội và ở quyền dân chủ của công dân thông qua hệ thống “văn bản pháp lý cao nhất”. Theo Môngtexkiơ “khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một viện nguyên lão, thì sẽ không còn gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hay viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán đối với quyền sống và quyền tự do của công dân, quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì ông quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp”[1]. Thực chất, tam quyền phân lập nhằm dùng quyền lực kiểm soát và kiềm chế quyền lực, là cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước để bảo đảm sự độc lập của tư pháp, bảo đảm tính pháp quyền của thiết chế quyền lực nhà nước.
Mới nghe vậy, một số kẻ đã vội vàng cổ súy cho rằng chỉ có tam quyền phân lập như mô hình nhà nước tư sản là đỉnh cao nhất, bảo đảm tự do, dân chủ nhất. Chúng không thấy biện chứng của cuộc sống chỉ ra rằng: tam quyền phân lập có thể bảo đảm tự do, dân chủ và cũng có thể không bảo đảm tự do, dân chủ. Và tương tự như thế, không thực hiện tam quyền phân lập kiểu tư sản đâu có phải làm hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân. Vấn đề mấu chốt, quyết định một cách tất yếu của nó phụ thuộc vào bản chất của nhà nước. Ph.Ăngghen viết: “Nhà nước chẳng qua chỉ là bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với một giai cấp khác, điều đó, trong chế độ cộng hoà dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ vậy”[2]. Cho nên, dù là tam quyền phân lập hay không, thì cả hệ thống đó đều là công cụ của giai cấp thống trị nhằm bảo đảm thực hiện quyền và lợi ích của giai cấp thống trị, không có một nhà nước nào mà sự tồn tại của nó không gắn liền với bảo vệ giai cấp sinh nó. Và quyền tự do, dân chủ của nhà nước pháp quyền tư sản chỉ là tự do, dân chủ với số ít của giai cấp thống trị chứ không phải của toàn thể nhân dân song về mặt hình thức biểu hiện ra bên ngoài lại là các khẩu hiệu dân chủ, tự do. Vì những khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái đó Bác Hồ đã trực tiếp sang nước Pháp và một số nước phương Tây xem họ thực hiện như thế nào; Người thấy ở đâu cũng có hai dạng người: người áp bức và người bị áp bức, người bóc lột và người bị bóc lột. Những khẩu hiệu giả nhân, giả nghĩa của chủ nghĩa tư bản chỉ nhằm che mắt, xoa dịu quần chúng nhân dân. Cho nên, thưa ông Thái Bá Tân, tam quyền phân lập không nói lên bản chất tuyệt đối của tự do, dân chủ.
Chúng ta không phủ nhận thành tựu của nhà nước pháp quyền tư sản, của phương thức tam quyền phân lập. Kế thừa thành tựu của nhà nước pháp quyền tư sản là sự kế thừa biện chứng, kế thừa có chọn lọc, kế thừa để phát triển trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyền lực nhà nước ta là thống nhất. Sự thống nhất đó không phải là sự tập trung quyền lực cao độ vào một nhánh quyền lực nào, mà sự thống nhất đó là thống nhất ở mục tiêu phục vụ lợi íchphản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, của đất nước, của dân tộc, nó bắt nguồn từ bản chất của nhà nước vô sản. Trong sự thống nhất đó trên cơ sở phân công và phối hợp trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sự thống nhất về mục tiêu phục vụ lợi ích, bảo đảm ý chí nguyện vọng của quần chúng nhân dân là nền tảng; sự phân công, phối hợp đó là chỉ là phương thức để đạt được sự thống nhất quyền lực của nhân dân mà nhà nước là đại diện.
Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc xác lập, sử dụng các hình thức và cơ chế kiểm soát quyền lực luôn được đặt ra một cách tất yếu để công khai hóa quyền lực và chống lạm dụng quyền lực. Đó là sự kiểm soát bên trong hệ thống và kiểm soát từ ngoài hệ thống. Từng cơ quan nhà nước đều có cơ chế kiểm soát nhằm giúp cơ quan đó tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, hoạt động theo đúng chức năng, thẩm quyền được giao có hiệu quả. Cùng với nguyên tắc tự kiểm soát, trong những mức độ nhất định chịu sự kiểm soát của các cơ quan, tổ chức khác để đảm bảo sự phân công và phối hợp trong việc thực thi quyền lực nhà nước, do đó, quyền lực kiểm soát và kiềm chế quyền lực được bảo đảm và thực thi trên thực tế.
Mặt khác, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, sự lãnh đạo đó là tất yếu khách quan trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Đảng lãnh đạo nhà nước, nhưng Đảng cũng là một tổ chức trong hệ thống chính trị được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không làm thay, can thiệp trực tiếp cụ thể vào công việc hoạt động của nhà nước mà tập trung trí tuệ sức mạnh để đề ra cương lĩnh, đường lối lãnh đạo Nhà nước. Đảng lãnh đạo việc xây dựng và hoàn thiện các cơ quan trong bộ máy nhà nước theo các yêu cầu của nhà nước pháp quyền để phòng ngừa các nguy cơ nhà nước lạm dụng, tha hóa quyền lực và nhằm bảo đảm nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân theo định hướng XHCN. Chứ không phải việc một Đảng lãnh đạo là độc đoán chuyên quyền và làm mất đi tự do, dân chủ như các luận điệu xuyên tạc của ông Thái Bá Tân và một số phần tử phản động về Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.
Thiện Trí




[1] Sáclơ Lui Môngtexkiơ (1748), Bàn về tinh thần pháp luật (tái bản lần thứ hai), Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.2013.
[2] C.mác(t.22, tr. 291)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét