Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không lỗi thời! (Kỳ 1)


Nhiều năm qua, các thế lực xấu, thù địch luôn cố gắng truyền bá luận điệu cho rằng, vì Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời cho nên không thể xây dựng xã hội mới tốt đẹp trên nền tảng học thuyết đó (!) và trên thực tế luận điệu này đã mê hoặc được một số người. Vì thế, làm sáng tỏ bản chất vấn đề là một yêu cầu bức thiết trong cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch.
(Kỳ 1)
Những người cho rằng, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời thường chủ yếu dựa vào bốn lý do: 1. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra đời từ các điều kiện kinh tế - xã hội ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 nên không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay; 2. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực theo học thuyết của C. Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, và sự sụp đổ của Liên Xô cùng các nước XHCN ở Đông Âu cho thấy đó là một học thuyết sai lầm; 3. Điều kiện kinh tế và xã hội ở các nước tư bản phát triển được cải thiện rất nhiều so với ở các nước đi theo con đường XHCN, chứng tỏ chủ nghĩa tư bản (CNTB) là ưu việt; 4. Một loạt sai lầm, khuyết điểm mà các nước đi theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam, đã và đang mắc phải đã chứng tỏ lý luận về CNXH là sai lầm và lỗi thời!
Vậy thực chất các vấn đề này là gì?
1. Học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen ra đời từ giữa thế kỷ 19, trong điều kiện các mâu thuẫn của CNTB đã trở nên gay gắt, phơi bày tất cả bản chất giai cấp của nó và sự bóc lột người lao động đến cùng cực. C.Mác và Ph.Ăng-ghen kế thừa thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, tiếp thu có phê phán các giá trị tinh hoa của quá trình phát triển tư tưởng nhân loại và với tài năng của mình, các ông đã phát hiện ra tính quy luật trong sự vận động của xã hội loài người, trong đó nhân tố quyết định là quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Đây chính là cơ sở để C.Mác và Ph.Ăng-ghen dự báo về tất yếu loài người sẽ tiến tới hình thái kinh tế - xã hội chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là xã hội XHCN. V.I.Lê-nin đã phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong bối cảnh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Người có nhiều đóng góp phát triển tư tưởng triết học, kinh tế - chính trị và CNXH khoa học của C.Mác, Ph.Ăng-ghen; đặc biệt, V.I.Lê-nin phát triển luận điểm về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản ở một nước tư bản, thậm chí trình độ phát triển chưa cao; xây dựng học thuyết về chính đảng mác-xít kiểu mới; tổ chức cách mạng XHCN thắng lợi và vận dụng học thuyết của C.Mác để phân tích, giải quyết hàng loạt vấn đề trong quá trình xây dựng CNXH ở nước Nga và Liên bang Xô viết. Đến giữa thế kỷ 20, Hồ Chí Minh là người đã vận dụng một cách sáng tạo các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn để giải quyết các nhiệm vụ to lớn của cách mạng Việt Nam, từ đó huy động sức mạnh toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, đánh bại các đế quốc to, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Những gì CNTB hiện đại đang thể hiện không nằm ngoài tính quy luật mà Chủ nghĩa Mác - Lê-nin từng chỉ ra, càng chứng minh tính đúng đắn của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sự phát triển lực lượng sản xuất với tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, một mặt, tăng thêm tiềm lực cho CNTB, mặt khác thúc đẩy nhanh hơn quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất, dẫn đến các thay đổi về quy mô, tính chất của quan hệ sở hữu, quản lý, điều hành sản xuất, phân phối của cải. Suy cho cùng, toàn cầu hóa ra đời từ nền kinh tế TBCN cũng giống như cái “áo” đã quá chật đối với mỗi quốc gia và buộc phải nới rộng trên phạm vi thế giới. Sự áp bức bóc lột của CNTB cũng theo đó mở rộng ra ngoài chính quốc và về bản chất, cũng không khác gì hành vi xâm lược thuộc địa trước đây, chỉ có điều được che đậy dưới lớp vỏ hào nhoáng hơn, vào các quốc gia nghèo khó bằng cửa chính và bóc lột bằng các luật lệ tự coi là sạch sẽ, văn minh! Người ta tìm mọi cách để chiếm đoạt nguồn tài nguyên, của cải trên thế giới, quy phục các quốc gia yếu thế nhằm phục vụ lợi ích của mình. Chiến tranh I-rắc đẩy một quốc gia vào cuộc chiến đẫm máu, huynh đệ tương tàn hơn một thập niên vẫn chưa có lối ra. Lý do phát động cuộc chiến tranh chống lại một dân tộc có chủ quyền là tàng trữ “vũ khí giết người hàng loạt” nhưng sau chiến dịch Bão táp sa mạc, đến nay dù đào bới, xới lộn cả nước I-rắc vẫn không tìm thấy “vũ khí giết người hàng loạt” nào! Vậy nguyên nhân cuộc chiến ở I-rắc là gì nếu không phải vì dầu mỏ và lợi ích của các ông chủ, các nhà tư bản? Và “cách mạng màu” phát động ở Li-bi, Xy-ri,… cũng thế, đều có chung hình thức bên ngoài, mục đích ẩn giấu bên trong và hậu quả tồi tệ không khác gì với cuộc chiến ở I-rắc.
Nhìn nhận từ góc độ nhân văn, CNXH là ước vọng ngàn đời của mọi người lao động, của những con người có lương tri cùng tình thương nhân loại, muốn sống trong hòa bình, nhân ái. C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã phát triển CNXH từ không tưởng trở thành khoa học khi nhìn nhận nó từ quy luật vận động của lịch sử, như sự vận động tất yếu từ những cơ sở xã hội, những yếu tố kinh tế, vật chất vốn đã được hình thành ngay trong lòng CNTB. Như vậy, CNXH là phù hợp và hợp lý cả về phương pháp luận khoa học và tính mục đích nhân văn.
Với tính chất là một học thuyết khoa học, những người khai sinh Chủ nghĩa Mác - Lê-nin chưa bao giờ muốn và chưa có bất cứ một mệnh đề phán đoán nào để biến các luận điểm trong học thuyết của mình thành tín điều siêu hình, cứng nhắc. Trong tác phẩm Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, Ph.Ăng-ghen đã tỏ ra rất khách quan, đồng thời yêu cầu khi “chủ nghĩa xã hội đã trở thành khoa học” thì “ngày nay vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó” (C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Tập 19, NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, tr.305). Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản năm 1872, C.Mác và Ph.Ăng-ghen viết: “Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời” (C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 18, NXB Chính trị Quốc gia, H.2004, tr.128). Nguyên tắc lịch sử, cụ thể và phát triển cũng luôn được V.I.Lê-nin quán triệt vận dụng trong khi nhận thức thực tiễn để giải quyết mối quan hệ gắn bó giữa lý luận và thực tiễn. Chính sách Kinh tế mới là dẫn chứng thực tế cụ thể, sáng rõ về quan điểm đó. V.I.Lê-nin đã đưa ra một định nghĩa đầy tính thực tiễn về CNXH mà lâu nay đôi khi hậu thế đã quên hoặc bảo thủ với các định kiến mà không nhìn nhận một cách thực sự đúng đắn, nghiêm túc. Đó là điều Người viết: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô-viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = ∑ = chủ nghĩa xã hội” (V.I.Lê-nin, Toàn tập, Tập 36, NXB Tiến bộ, M.1978, tr.684). Nhận định của V.I. Lê-nin gần 100 năm trước vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận đối với chúng ta hiện nay, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa… Vì vậy, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không lỗi thời, mà chỉ có một số người nhầm lẫn, sai lầm, cố tình không nhìn nhận bản chất khoa học, nhân văn của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hoặc cố tình xuyên tạc vì muốn xóa bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin để bảo vệ CNTB và quyền lợi của một nhóm người, hoặc được hưởng lợi không chính đáng từ nền sản xuất tư bản mà thôi. Điều này đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu sâu sắc, vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách đúng đắn vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong quá trình xây dựng CNXH.
2. Phải khẳng định rằng trên thực tế, mô hình CNXH hiện thực đã đưa tới sự thay đổi rung trời chuyển đất và làm nên một vầng sáng không thể phủ nhận trong diễn trình lịch sử thế giới thế kỷ 20, vì đã đem lại cuộc sống tốt đẹp cho phần lớn nhân loại; tạo nên sức mạnh không thể tưởng tượng về nguồn lực vật chất và tinh thần, đủ sức động viên sức người, sức của, tạo thành lực lượng chủ yếu đánh thắng lực lượng của các liên minh tư bản, cũng như của chủ nghĩa phát-xít tàn bạo. Thành tựu của các nước XHCN đã động viên, thúc đẩy cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình, giải phóng dân tộc trên thế giới. Hàng loạt dân tộc bị áp bức đã giành được độc lập, tự do dưới ảnh hưởng và sự giúp đỡ vô tư của các nước XHCN do Liên Xô dẫn đầu. CNXH và cuộc đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân lao động trên toàn thế giới đã là động lực thúc đẩy, buộc các thế lực tư bản, đế quốc phải một mặt thừa nhận quyền tự do, độc lập của các dân tộc trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân; một mặt tạo nên sức ép, buộc các thế lực tư bản thực hiện một số cải cách xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân lao động ở chính quốc.
Sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu là bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng sản, mà còn cho nhân loại tiến bộ. Đó là kết quả của sự bảo thủ, không nhìn thẳng vào thực tế, chậm đổi mới nhận thức, chậm đổi mới chính sách, thiếu giải pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ bối cảnh lịch sử, từ thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đó cũng chính là sai lầm do không nhận thức đúng đắn những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tính biện chứng, nguyên tắc khách quan, lịch sử, cụ thể và phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng XHCN. Mặt khác, sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH cụ thể, tuyệt nhiên không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, càng không thể là sụp đổ lý tưởng về tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới. Điều ấy được minh chứng bằng việc ở thời điểm hiện tại, một loạt nước ở tây bán cầu đang tìm con đường, cách thức xây dựng CNXH theo mô hình mới; và một loạt quốc gia ở chính châu Âu (nhất là Bắc Âu) đã và đang lấy CNXH làm mục đích và cảm hứng để xây dựng, phát triển đất nước, bởi không phải không có lý do khi họ tự gọi mình là mô hình CNXH phúc lợi. Đương nhiên còn một minh chứng cụ thể là một số nước kiên trì đi theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam, đã đạt được các thành tựu có tính lịch sử trong quá trình xây dựng, phát triển…
GS, TS TẠ NGỌC TẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét