Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA NGƯỜI DÂN, CÁC ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Trần Mai Chi
Đảng ta chủ trương: “Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí”[1]. Trong đó, cần chú trọng nhiệm vụ, giải pháp về việc “phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất…”[2]. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong xã hội dân chủ. Có thể thấy, sự phát triển của nạn tham nhũng tỷ lệ nghịch với quá trình thực hiện dân chủ. Thực tiễn cho thấy nơi nào mà quyền làm chủ của nhân dân được phát huy thì ở đó tham nhũng bị hạn chế ở mức thấp nhất, và ngược lại. Nhưng dân chủ ở đây phải là thứ dân chủ thực chất, nghĩa là người dân có quyền lực thực sự trong việc chủ động tham gia các công việc của Nhà nước và Nhà nước cũng phải có trách nhiệm để bảo đảm các quyền làm chủ của nhân dân.
Để dân chủ thực sự là phương thức kiềm chế hiệu quả nạn tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi nhà nước cần thể chế hoá cụ thể và chặt chẽ các quy định cũng như cơ chế để nhân dân có thể thuận tiện thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó phản ánh, kiến nghị, tố cáo những hành vi tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là thực hiện quyền bãi miễn của mình đối với những cán bộ tham nhũng; phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời mạnh dạn thí điểm và nhân rộng các hình thức động viên nhân dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức trách nhiệm và tinh thần tự giác của nhân dân đối với sự nghiệp lành mạnh hóa, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên và trong sạch xã hội, cũng như ban hành những quy định, cơ chế bảo vệ người dân trong cuộc đấu tranh này.








[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.213.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét