Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam được khảo sát trong bài nghiên cứu riêng của tác giả Gioóc-giơ Mô-đen-xki (George Modelsky), nhan đề “Đồng bộ Cách mạng Việt Minh”, trong đó ông viết: Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 sâu rộng nhưng hầu như phi bạo lực. Tuy nhiên vòng vây kẻ thù đã khiến Việt Nam lại phải cầm súng, và đạt được nghệ thuật chiến tranh trình độ cao chỉ sau một số năm, cùng với một chiến lược ngoại giao mềm dẻo.
Giành chính quyền không đổ máu
Cho rằng sự nghiệp của cách mạng Việt Nam trong hai thập kỷ qua là “đặc biệt phong phú về kinh nghiệm làm cách mạng”, tác giả Gioóc-giơ Mô-đen-xki đánh giá như sau:
Một ví dụ cho giành chính quyền gần như không dùng bạo lực, hoặc bạo lực tối thiểu, chính là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây cũng là cuộc cách mạng được cả Việt Nam và Mát-xcơ-va tự hào. Cuộc cách mạng này được nói đến như một sự kiện tiếp cận tới một khái niệm mà các tác phẩm lý luận gần đây (giữa những năm 60 của thế kỷ trước) ở Liên Xô gọi là “sự quá độ một cách hòa bình sang chủ nghĩa xã hội”.
Mít tinh Tổng khởi nghĩa ngày 19-8-1945 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu. 
Theo chính sử Việt Nam, có 5 bài học của Cách mạng Tháng Tám: Chuẩn bị kỹ càng cả về chính trị tư tưởng và tổ chức (gồm huấn luyện cán bộ, xây dựng căn cứ địa kháng chiến; thành lập lực lượng vũ trang); bắt kịp thời cơ; phát động cao trào cách mạng của toàn dân nhằm đạt được sự ủng hộ của đại đa số nhân dân bằng cách kết nạp vào phong trào “không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo”; kết hợp khôn khéo các hình thức đấu tranh vũ trang với các hình thức đấu tranh chính trị, đồng thời chuyển dần từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang; lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ và sự phân tán lực lượng chủ lực của đối phương.
Nhật và Pháp được xác định là kẻ thù chính, các trào lưu dân tộc chủ nghĩa khác ở trong nước cần được thu hút theo hướng ủng hộ phong trào Việt Minh.
Có thể thấy “đơn thuốc” trên không chỉ là lý thuyết hay thực tiễn riêng của Việt Minh, mà chính là công thức thực nghiệm từng đưa đường cho mọi cuộc nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Việt Minh trên thực tế đã thể hiện mình rõ rệt trong thực hiện đúng “đơn thuốc”, chủ yếu là trong các khâu chuẩn bị lực lượng kỹ càng và trong nắm bắt thời cơ hành động. Khâu đánh giá tình hình của họ là tuyệt vời.
Người trước, súng sau
Mô-đen-xki viết tiếp: “Về thực tiễn, các điểm nổi bật của các bài học cách mạng rõ ràng là chiến tranh du kích, thành lập quân đội và xây dựng các căn cứ địa để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Các học thuyết của Liên Xô trước năm 1940 không gắn tầm quan trọng cho các nguyên tắc chỉ đạo nêu trên. Các tài liệu xuất bản từ thời đầu của Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh việc vận động những người lính hoặc cả đơn vị của quân đội đối phương chuyển sang hàng ngũ cách mạng, theo cung cách cuộc Cách mạng Nga năm 1917, đồng thời cung cấp nhiều tư duy về tổ chức mạng lưới cách mạng ở đô thị hơn là ở nông thôn”.
Bìa cuốn sách “Chủ nghĩa Cộng sản và Cách mạng: Các cách áp dụng chiến lược bạo lực chính trị”. 
Mô-đen-xki dẫn quan điểm “súng đẻ ra chính quyền” do Mao Trạch Đông đưa ra năm 1928: “Công cuộc xây dựng một quân đội là mắt xích mấu chốt trong xây dựng căn cứ; thiếu một quân đội, hoặc với một quân đội không mạnh, chẳng thể làm gì” để khẳng định rằng Việt Minh đã có một thực tiễn khác biệt: “Mặc dù Việt Minh nhận biết cả tầm quan trọng của xây dựng căn cứ địa cách mạng lẫn xây dựng quân đội, nhưng đặc thù căn bản hoạt động của Việt Minh là nhấn mạnh tầm quan trọng tột bậc của công tác chính trị và dành ưu tiên hàng đầu cho xây dựng mạng lưới hoạt động đấu tranh chính trị tại địa phương, chứ không vội vàng lập ra các đơn vị du kích. Có thể nói sự chuẩn bị kỹ càng về chính trị là đặc trưng cho hoạt động kiểu Việt Minh”.
Cho rằng một đặc tính của Mặt trận Việt Minh là sự khéo léo trong áp dụng vũ lực, Mô-đen-xki viết: “Lực lượng Việt Minh hai thập kỷ nay đã đấu tranh trên nhiều mặt trận. Trong giai đoạn này, sự áp dụng vũ lực của họ đã trưởng thành, trở thành một nghệ thuật. Xét trong bối cảnh đặc thù Việt Nam, các chiến thuật quân sự về tác chiến rừng núi của Việt Minh là tuyệt vời. Sẽ là sai hướng nếu mô tả Việt Minh như những du kích, dù ban đầu lực lượng của họ là bán chính quy. Trên thực tế họ có một quân đội thường trực được huấn luyện và vũ trang đầy đủ, được hỗ trợ bởi các lực lượng cả quy mô vùng lẫn tại chỗ, nhưng lại tác chiến kiểu chiến tranh du kích, để khai thác yếu tố bất ngờ và sự linh hoạt trong tác chiến trên khắp các địa hình. Kỹ năng quân sự của Việt Minh cuối cùng đã từng đánh bại đội quân viễn chinh được huấn luyện đồng bộ và được trang bị tối tân của nước Pháp công nghiệp”.
Một kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám được Mô-đen-xki nêu là trấn áp các phần tử phản động. Việt Minh đã không nhằm tiêu diệt các phần tử này, mà nhằm đạt hiệu ứng răn đe, chế áp về tinh thần.
Sách lược mềm dẻo
Mặc dù Tổng khởi nghĩa năm 1945 thành công, sau đó Việt Nam vẫn rơi vào cuộc chiến do những lợi ích của thực dân. Những năm kháng chiến tiếp sau, Mô-đen-xki nhận định là vô cùng ác liệt, gian lao, với thương vong không hề nhỏ.
Mô-đen-xki khảo sát quan hệ của cách mạng Việt Nam với các trào lưu khác, qua các tác phẩm của Hồ Chí Minh viết trong nửa cuối thập kỷ 50 và nửa đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, cũng như “Hồ Chí Minh tuyển tập” để nêu quan điểm về vai trò Cách mạng Tháng Mười đối với Cách mạng Tháng Tám. Ông viết: “Đảng cầm quyền ở Việt Nam là một Đảng Cộng sản chính thống. Những lãnh tụ đầu tiên của Đảng này được đào tạo ở Liên Xô và cảm hứng về tư tưởng của Đảng này là mô hình Xô-viết. Vì thế các đường lối của Quốc tế Cộng sản được tuân thủ và tiếp tục được tuân thủ kể cả sau khi Quốc tế Cộng sản giải thể. Chẳng hạn, trong cuốn “Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông” in tại Mát-xcơ-va năm 1957, Hồ Chí Minh đã đề cao ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười và vai trò của Liên Xô trong suốt chiều dài, mà chỉ nhắc đến sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp và của Đảng Cộng sản Trung Quốc có một lần. Nhưng tới năm 1960, trong sách “Chủ nghĩa Lê-nin và giải phóng các dân tộc bị áp bức”, sự giúp đỡ của Trung Quốc được Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều hơn, nhưng khó xem đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đã đứng sang phía Trung Quốc trong cuộc bất hòa Xô-Trung. Đây chắc chỉ là cách Việt Nam cho thấy mình duy trì quan hệ tốt với cả hai bên”…
Mô-đen-xki dẫn cuốn sách “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chỉ ra hai đặc tính nữa của cuộc cách mạng Việt Nam là xảy ra ở một nước nhỏ, yếu và mang bản chất chống thuộc địa, nhằm giành độc lập dân tộc. Tác giả viết: “Trong suốt quá trình tranh đấu, các lãnh tụ Việt Minh đã nhận thức vô cùng rõ ràng rằng các hoạt động của phong trào này được tiến hành trong một nước nhỏ, phụ thuộc vào hành xử của các nước lớn, dù là nước bạn bè hay thù địch. Nhiều chính sách từ ngày đầu độc lập của Việt Minh bao gồm cả nghi binh và giấu lực lượng, cũng như với những thỏa hiệp với Pháp và Quốc dân Đảng Trung Quốc là do tình thế phải tồn tại giữa lợi ích chồng chéo của các siêu cường ép buộc. Bất chấp sách lược mềm dẻo mà họ có được và đang áp dụng, Mặt trận Việt Minh vẫn rất khó khăn khi tiến hành cách mạng chỉ bằng sức mình trong một đất nước nhỏ. Những năm ròng gian khó là phải trải qua để duy trì được những thành quả, cách mạng Việt Nam đang ngày một tăng cường thế và lực của nó…”.
Do các lý do như phong trào cách mạng Việt Nam chủ yếu gắn với khát vọng giành độc lập dân tộc, tác giả cho rằng hình mẫu Mặt trận Việt Minh sẽ không lan rộng ra khỏi biên giới nước này. Bất chấp những nghiên cứu như của Mô-đen-xki và các tiếng nói tỉnh táo khác, Giôn-xơn (Johnson) và Mắc Na-ma-ra (McNamara) vẫn đổ quân vào Nam Việt Nam năm 1965.
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)
NGUỒN: http://sknc.qdnd.vn/ho-so-tu-lieu/cach-mang-thang-tam-khoi-dau-la-phi-bao-luc-500691