Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN LÀ SẢN PHẨM CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

                                                                                                             Gió biển

Các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền cho rằng: Nhà nước pháp quyền là sản phẩm, thành tựu của chủ nghĩa tư bản, do đó không thể lấy thành tựu đó “gán ghép” vào chủ nghĩa xã hội; khi nhắc đến chủ nghĩa xã hội thì phải gắn liền với “chuyên chính vô sản”, “Đảng trị”. Những luận điệu trên là phi lý, hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền nói chung, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Quan điểm cho rằng nhà nước pháp quyền là sản phẩm, thành tựu của chủ nghĩa tư bản là một quan điểm hoàn toàn sai, tự biện và duy ý chí. Lý luận về nhà nước pháp quyền chỉ thực sự xuất hiện dưới chế độ tư bản, song tư tưởng  pháp quyền đã hình thành và thể hiện trong quan điểm của các nhà tư tưởng từ thời cổ đại. Ở phương Đông, đó được xem là tư tưởng pháp trị của các nhà pháp gia, như: Quản Trọng, Thương Ưởng, Hàn Phi,.... Quản Trọng chủ trương đề cao “Luật, lệnh, hình, chính”, vua phải giữ pháp, “không vì vua muốn mà thay đổi lệnh, lệnh đáng tôn hơn vua”. Hàn Phi coi pháp là chuẩn mực cao nhất của việc cai trị đất nước, khi thi hành pháp luật thì không kể đến tình cảm riêng, không câu nệ chuyện thân sơ, sang hèn, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật: “pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”. Ở phương Tây, điển hình là: Xô-crát, Arixtốt. Những tư tưởng này đã được các nhà tư tưởng chính trị và pháp lý tư bản sau này như: John Locke, Montesquieu, J.J.Rút-xô,… phát triển như một thế giới quan pháp lý mới. Như vậy, tư tưởng về pháp quyền có từ rất sớm, có trước chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng về pháp quyền không chỉ có đóng góp của các triết gia trước tư sản, mà còn có sự đóng góp của những nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội. C.Mác, Ph.Ăgghen và VI.Lênin dù không chính thức nói đến nhà nước pháp quyền như là một trong những nội dung chính yếu trong học thuyết của mình, nhưng các ông luôn quan tâm đến Nhà nước và cách mạng, Nhà nước và pháp luật. Như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội dù không xem nhà nước pháp quyền là bộ phận trong học thuyết của mình, nhưng trong toàn bộ học thuyết vĩ đại ấy đã thể hiện quan điểm về những yếu tố pháp quyền, góp phần làm phong phú tư tưởng về nhà nước pháp quyền và đặt ra những ý tưởng mầm mống về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn lịch sử nhân loại minh chứng, nhà nước pháp quyền ngoài các giá trị phổ biến còn bao hàm các giá trị đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc. Tính đặc thù của nhà nước pháp quyền được xác định bởi hàng loạt yếu tố. Các yếu tố này về thực chất là rất đa dạng, phong phú và phức tạp, được xác định bởi các điều kiện về lịch sử, truyền thống - văn hóa, tâm lý xã hội của mỗi dân tộc, các chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa và môi trường địa lý. Vì thế, không thể có một nhà nước pháp quyền chung chung như một mô hình chung thống nhất cho mọi quốc gia, dân tộc. Mỗi quốc gia, dân tộc, tùy thuộc vào các đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển mà xây dựng cho mình một mô hình nhà nước pháp quyền thích hợp. Do vậy, nói nhà nước pháp quyền là sản phẩm, là thành tựu của chủ nghĩa tư bản là một quan điểm hoàn toàn sai lầm.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa