LTS: Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là vấn đề thuộc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị núp bóng dưới ngọn cờ “dân chủ, nhân quyền” lại cố tình xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận thành tựu, ra sức chống phá chế độ XHCN ở nước ta. Vì vậy, chúng ta phải nhận diện, vạch trần và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực này.
Bài 1: Nhận diện những luận điệu sai trái, thù địch về quyền con người ở Việt Nam
Vì nhiều lý do khác nhau, các thế lực cực đoan trong chính giới ở một số nước ở phương Tây, các tổ chức phản động người Việt Nam ở nước ngoài như Việt Tân, Chính phủ Việt Nam tự do, Đảng nhân dân hành động, Hiệp hội đoàn kết công nông, Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam, Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam...; một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như Theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới (RSF), Ngôi nhà tự do (FH)... thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, bằng việc ra bản phúc trình hằng năm về nhân quyền. Bên cạnh đó, các lực lượng cạnh tranh về tư tưởng, chính trị, núp bóng nghiên cứu lý luận, bất mãn, suy thoái về tư tưởng chính trị, bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, cũng lợi dụng ngọn cờ “dân chủ, nhân quyền” ra sức chống phá, tấn công quyết liệt vào nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam.
Chĩa mũi nhọn chống phá nhiều lĩnh vực
Những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường tập trung vào một số lĩnh vực chính sau:
Thứ nhất: Phủ nhận thành tựu về các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng về dân chủ, nhân quyền, các kết quả thực tiễn về quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong suốt 35 năm đổi mới. Lợi dụng các hiệp định, dự án hợp tác với nước ngoài, nhất là khi nước ta đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước, các tổ chức quốc tế; phá hoại, vu cáo xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền con người, làm cản trở quá trình ký kết.
Thứ hai: Lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc thiểu số để xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc. Họ cho rằng, Việt Nam có "hai chính sách tôn giáo": Chính sách bảo đảm hình thức và “chính sách” không bảo vệ, không bảo đảm quyền tự do tôn giáo trong thực tế thông qua “cơ chế xin-cho” và tạo lập các “tôn giáo quốc doanh”; chỉ trích các văn bản, chính sách, pháp luật về tôn giáo và lợi dụng Nhà nước xử lý các đối tượng, vụ việc phức tạp liên quan tới tôn giáo để xuyên tạc, vu cáo. Các thế lực phản động cho rằng “nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về dân tộc không tương đồng với các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”; pháp luật Việt Nam không có điều khoản bảo đảm quyền của “người bản địa” theo tuyên ngôn, công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã tham gia...
Thứ ba: Phê phán, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp. Chỉ trích chính quyền trì hoãn ban hành luật biểu tình, luật về hội; lợi dụng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục bạo lực, đàn áp, bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo độc lập, những người có ý kiến phản biện, trái ý kiến với Nhà nước. Họ còn kích động khuynh hướng cực đoan nhằm “hạ bệ thần tượng”, đòi “giải thiêng” các giá trị lịch sử dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đòi khơi thông dòng văn chương của những cây bút chống Cộng trước năm 1975; thành lập “Nhóm mở miệng” (xuất hiện từ khoảng năm 1995) chủ trương thơ tục, thơ rác, thơ bụi để “đẩy thơ vào ngõ cụt” nhằm thúc đẩy “lề trái” (phi chính thức) thay thế “lề phải” (chính thống), tạo tiền đề cho việc chuyển sang hệ tư tưởng tư sản.
Ảnh minh họa. TTXVN. |
Thứ tư: Xuyên tạc cái gọi là “việc áp dụng một cách bất công Bộ luật Hình sự”, nhất là các điều 19, 79, 87, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, mặc dù bộ luật này đã được sửa đổi từ năm 2015. Các luận điệu xuyên tạc Việt Nam có chính sách hai mặt trong việc giam giữ tù nhân chính trị: Công khai thì khép vào tội “vi phạm luật pháp” nhưng thực tế là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”; hay các luận điệu xuyên tạc về sử dụng cách tra tấn, bức cung, nhục hình đối với những người bị tạm giữ, tạm giam; phân biệt đối xử giữa tù nhân chính trị với tù nhân khác, ngăn cản thân nhân vào thăm; bắt giữ và xét xử tùy tiện; duy trì án tử hình; cáo buộc tình trạng đàn áp, ngăn chặn, cản trở hoạt động của luật sư...
Thứ năm: Xuyên tạc, kích động trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật. Thời gian qua, các thế lực thù địch tăng cường ưu tiên cấp học bổng để thu hút học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu, “nghiên cứu nhân quyền”, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức hội nhóm tôn giáo... nhằm “thay máu” giới trẻ. Họ tăng cường tung “tin vịt” đủ loại một cách thâm độc và với sự phụ họa một cách vô ý thức của truyền thông đại chúng theo cơ chế thị trường và dựa trên nền tảng internet, nhằm phá hoại kỷ cương, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự suy đồi, rối loạn tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội.
Thứ sáu: Hoạt động xâm nhập, kích động, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sang tư tưởng nhân quyền tư sản. Các thế lực thù địch tăng cường tác động “từ bên ngoài”, như đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị (tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước...) tương tự các quốc gia phát triển phương Tây. Họ gắn dân chủ, nhân quyền với các vấn đề hợp tác phát triển, dân chủ, tôn giáo, tiếp cận thông tin và các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp; đặc biệt đòi dân sự hóa hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhằm thúc đẩy phát triển tối đa của xã hội dân sự. Họ móc nối và tìm cách mua chuộc bằng tiền, hiện vật có giá trị để làm thay đổi tư tưởng, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp chiến lược và cơ quan trọng yếu nhằm thay đổi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm chệch hướng XHCN trong bảo đảm dân chủ, nhân quyền và quá trình đổi mới đất nước.
Thứ bảy: Kích động các cá nhân, tổ chức trong nước tổ chức bạo động, bạo loạn và nhờ nước ngoài khiếu kiện Việt Nam. Thí dụ, trong UPR chu kỳ I (năm 2009), II (năm 2014) và III (năm 2019), một số tổ chức phi chính phủ thù địch người Việt và quốc tế có quy chế quan sát viên tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc-ECOSOC (như Ủy ban bảo vệ quyền con người cho người Việt Nam-VCHR của Võ Văn Ái, tổ chức đảng cấp tiến xuyên quốc gia-TRP...) lợi dụng diễn đàn của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người. Ví dụ gần đây, HRW công bố báo cáo hằng năm với tiêu đề “Phúc trình toàn cầu 2021”, dài 761 trang, về đánh giá việc thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia(*). Trong đó bản phúc trình này phê phán Việt Nam trong năm 2020 “tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”, qua việc siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo, chặn truy cập nhiều trang mạng, gây sức ép buộc các công ty viễn thông phải gỡ bỏ những nội dung phê phán Đảng Cộng sản và chính quyền... Đây không phải là lần đầu tiên HRW đưa ra những thông tin sai trái như vậy để công khai chỉ trích Việt Nam và nhiều quốc gia có chủ quyền khác.
Thủ đoạn tinh vi, nham hiểm
Hiện nay, nền tảng mà các thế lực phản động, thù địch dựa vào là hệ tư tưởng tư sản với nội dung cơ bản, đó là quan niệm một cách phiến diện, thậm chí tuyệt đối hóa quyền tự do cá nhân, các quyền dân sự, chính trị đến mức đồng nhất chúng với quyền con người nói chung; coi nhẹ quyền của tập thể, của dân tộc và chủ quyền quốc gia; coi nhẹ tính bình đẳng của các chủ thể quyền và các nội dung quyền, nhất là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, vốn chiếm vị trí cơ bản và là yêu cầu có tính bức thiết đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Về mặt chính trị, đây là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc về văn hóa, coi tư tưởng nhân quyền phương Tây mang tính phổ quát toàn nhân loại, thậm chí cao hơn chủ quyền quốc gia. Các thủ đoạn và phương thức mà các thế lực phản động, thù địch thường sử dụng, đó là: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc chống phá nền tảng tư tưởng lý luận XHCN ở Việt Nam; (2) Tiến hành các hoạt động chống phá thực tiễn về thành quả bảo đảm nhân quyền trên tất cả các lĩnh vực của đời sống; (3) Tuyên truyền, ca ngợi các giá trị của nhân quyền tư sản nhằm kích động, cổ vũ việc phân hóa, chuyển hóa tư tưởng, chính trị XHCN đồng thời thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản-mà hiện nay thường được gọi là “giá trị phương Tây”-trước tiên trong nội bộ Đảng, Nhà nước; (4) Tạo dựng ngọn cờ về dân chủ, nhân quyền thông qua việc tuyên truyền, ca ngợi, trao giải thưởng cho nhiều nhân vật chống đối, lôi kéo, cổ vũ để biến những kẻ vi phạm pháp luật, trở thành cái gọi là “nạn nhân của vi phạm nhân quyền”, nhằm kích động, hình thành nhóm chống đối, tạo dư luận chú ý ở trong nước và quốc tế, từng bước hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong và ngoài nước và tìm cách xác lập cơ chế “đa nguyên, đa đảng” trong thực tế ở nước ta.
Về chủ trương, các thế lực phản động, thù địch lấy chống phá về chính trị, tư tưởng làm khâu đột phá; lấy mua chuộc kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, môi trường, chủ quyền biển, đảo làm ngòi nổ; dùng ngoại giao, đầu tư kinh tế để hỗ trợ, hậu thuẫn.
Về công cụ, họ triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các mạng xã hội, xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chống phá Việt Nam (như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ, HRW...) để xuyên tạc, kích động về tư tưởng, chính trị. Họ lợi dụng các sai sót trong quản lý để xuyên tạc, kích động khiếu kiện, biểu tình trái phép. Họ tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử, tuy âm thầm nhưng tác hại lâu dài rất thâm độc. Các thế lực thù địch dùng chiêu bài “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, suy thoái về tư tưởng, chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
(còn nữa)
(*) Trang https://www.voatiengviet.com, truy cập ngày 12-7-2021
PGS, TS TƯỜNG DUY KIÊN (Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa