Tung tin giả, phá hoại thật

Tung tin giả để phá hoại thật là một trong những chiêu trò của các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn thường áp dụng để xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, khi dịch mới xuất hiện, tin giả đã “ăn theo” virus khiến cho dư luận hoang mang. Gần đây, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tin giả cũng “tái bùng phát” trên mạng xã hội, thậm chí chúng còn đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài xuyên tạc công tác PCD ở Việt Nam.

Khi một số địa phương triển khai giãn cách xã hội, chúng vu cáo Việt Nam vi phạm về quyền tự do đi lại, cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam thực hiện “ngăn sông cấm chợ” gây khó khăn cho cuộc sống của người dân”. Nguy hiểm hơn khi chúng phỏng vấn một số trường hợp người lao động tự do, cắt ghép, rồi “củng cố” cho những luận điệu xuyên tạc của mình.

Khi Chính phủ Việt Nam quyết định lập ra “Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19” với mục đích vô cùng tốt đẹp là tiêm vaccine miễn phí cho người dân thì chúng lại bóp méo sự thật rằng chính quyền không chủ động trong ứng phó dịch bệnh. Sử dụng video, clip bị cắt xén, lồng ghép những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận; đăng bài viết có tiêu đề giật tít, nhưng nội dung thì “không có gì” chỉ để tăng tỷ lệ tương tác, lượt like nhằm mục đích câu “view”, “đánh bóng tên tuổi” và sâu xa hơn là lợi dụng điều đó để nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ của chúng ta.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng chống phá đã soạn thảo, tán phát hàng chục nghìn bài viết, bình luận sai sự thật chống Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh trật tự trên hàng trăm website và hàng nghìn nhóm, tài khoản mạng xã hội. Nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề: Xuyên tạc về diễn biến dịch, nguồn lây nhiễm, số người nhiễm bệnh, số ca tử vong, công dụng của thuốc và vật tư y tế PCD, kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; kích động, gây chia rẽ quan hệ ngoại giao Việt Nam với một số quốc gia; công kích, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương trong PCD, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhân viên y tế, người mắc bệnh và người có nguy cơ lây nhiễm. Chúng còn kêu gọi biểu tình, tẩy chay, phản đối việc cài đặt phần mềm Bluezone, kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài; kêu gọi tích trữ lương thực, thực phẩm, gây hoảng loạn trong quần chúng nhân dân; trục lợi kinh tế thông qua buôn bán, làm giả vật tư, thiết bị PCD...

Điển hình của việc “tung tin giả, phá hoại thật” là bức ảnh chụp nhiều thi thể nạn nhân trong bệnh viện. Ảnh được chụp ở một nước khác thì lại bị các đối tượng gán là “chụp ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh” .

Không lợi dụng dịch bệnh để thực hiện mưu đồ chính trị
Đoàn sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trước khi nhận nhiệm vụ tại các điểm phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN. 


Từ phản biện thành phản bội

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người nhiễm bệnh và tử vong ở Việt Nam tăng cao, một số phần tử phản động người Việt bèn nêu ra quan điểm thoạt đầu nghe rất êm tai rằng “phản biện giải pháp phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam”. Thế nhưng bản chất của chúng lại là phản bội lại Tổ quốc, phản bội lại nhân dân. Chúng “phán” rằng: “Dịch bệnh lan rộng ở Việt Nam có nguyên nhân sâu xa là do thể chế, do một đảng lãnh đạo, là vì chống dịch theo mô hình xã hội chủ nghĩa"... Đó là những cái nhìn phiến diện, đổi trắng thay đen, bóp méo, xuyên tạc sự thật nhằm chia rẽ nội bộ nhân dân, chia rẽ giữa Đảng, chính quyền Nhà nước với nhân dân. Thủ đoạn nham hiểm của chúng là biến không thành có, biến ít thành nhiều, biến hiện tượng cá biệt thành bản chất.

Lợi dụng dịch bệnh, các đối tượng chống đối còn tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước. Đáng chú ý, tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã tài trợ in hơn 1 triệu khẩu trang có hình lưỡi bò tán phát trong nước nhằm khuếch trương thanh thế; tán phát “Thư kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả tù nhân trong đại dịch Covid-19”...

Tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” lợi dụng giãn cách xã hội để móc nối, lôi kéo tham gia tổ chức, nhất là những người trẻ tuổi có nhận thức chính trị hạn chế, người có hoàn cảnh khó khăn, bất mãn xã hội, ảo tưởng chính trị để kích động, khoét sâu bất mãn với chính quyền, hứa hẹn “cấp phát nhà miễn phí”.  

Có lẽ chúng không biết hoặc cố tình không biết rằng, không phải ở Việt Nam mà ngay tại các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới cũng đều phải gặp khó khăn khi đối phó với đại dịch Covid-19.

Một số người còn cho rằng, Việt Nam gặp khó trong PCD là do thể chế, do chế độ, do một đảng lãnh đạo. Họ không hiểu thực tế là nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu nền kinh tế của chúng ta không vận hành theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chắc chắn việc phòng, chống dịch bệnh của chúng ta còn gặp khó khăn gấp rất nhiều lần, số người bị bệnh, số người tử vong chắc chắn sẽ rất lớn. Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá như vậy.

Cũng cần phải nói thêm là Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân từ rất sớm và là một trong số không nhiều quốc gia trên thế giới sớm có chủ trương tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà cho toàn dân, coi đó là một giải pháp chiến lược để đẩy lùi dịch bệnh. Điều này thể hiện tinh thần nhất quán “lo cho dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Việt Nam là nước nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và là nước có tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, thế nhưng với phương châm: “Tất cả vì sức khỏe của nhân dân”, ngay sau khi phát hiện những trường hợp dương tính đầu tiên ở trong nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế nhưng quyết tâm phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong gần hai năm qua. Cùng đó, chúng ta cũng đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19; phát động toàn dân, toàn quân “chống dịch như chống giặc”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo thường xuyên, kiên quyết và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ “ngoại giao vaccine”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chúng ta đã tổ chức khoanh vùng, dập dịch thành công ba đợt lớn và đang khống chế thành công đợt dịch thứ tư.

Nhìn lại kết quả công tác PCD Covid-19 trong thời gian qua ở Việt Nam có thể thấy, điểm mấu chốt tạo thành sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh chính là sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, chính quyền các cấp và sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn dân. Điều này không chỉ được chúng ta khẳng định mà bạn bè quốc tế cũng đã ghi nhận.

Tìm hiểu thực tế công tác PCD Covid-19 tại Việt Nam, mới đây, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đánh giá cao công tác PCD Covid-19 của Việt Nam. “Tôi hiểu rằng Chính phủ hiện đang cố gắng xây dựng lộ trình để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 và tích cực chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi đất nước sang một trạng thái bình thường mới”, ông Kidong Park nói và đưa ra khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần xem xét, xây dựng lộ trình thực hiện linh hoạt các biện pháp ngăn chặn thiệt hại về xã hội, kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra.

Câu trả lời từ thực tế

Thực tế, sau thời gian nỗ lực phòng, chống, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã từng bước được kiểm soát.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, tính đến ngày 24-9, trong đợt dịch lần thứ tư, cả nước đã ghi nhận khoảng 734.000 ca mắc, 503.000 người đã khỏi bệnh (69%) và hơn 18.000 ca tử vong. Tuần qua, cả nước ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó; số ca tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó. Đã có 16/63 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào.

Đáng chú ý, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số mắc trong 7 ngày gần đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước. Các địa phương khác tình hình cơ bản vẫn đang được kiểm soát.

Về tiêm chủng, tính đến hết ngày 24-9-2021, cả nước đã tiêm được 37,6 triệu liều vaccine, tỷ lệ sử dụng đạt 72% so với tổng số vaccine phân bổ, trong đó khoảng 22,3 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 7,3 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine (tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 41,1% dân số từ 18 tuổi trở lên). Còn khoảng 14 triệu liều đang tiếp tục tiêm, trong đó có khoảng 10,5 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 16-9-2021.

Trên cơ sở phân tích công tác PCD Covid-19 trong thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm cần thấm nhuần như: Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là khi dịch chưa đến hoặc đã kiểm soát được tình hình, đồng thời tránh hoảng hốt, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát, lây lan. Phải nhất quán, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo, song áp dụng linh hoạt vừa tập trung, vừa phân tán căn cứ đặc thù của từng địa phương, thời điểm. Việc phân cấp thực hiện phòng, chống dịch phải xuống tận cơ sở, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Tổ chức xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng dịch tốt, nhất là tại địa bàn, đối tượng có nguy cơ cao; thấm nhuần phương châm “một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể đến sức khỏe, tính mạng và nhiều mất mát khác”.

Như vậy, thực tế đã trả lời về hiệu quả công tác PCD Covid-19 của chúng ta.

Trên cơ sở hiệu quả PCD, Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 đã thống nhất chuyển chủ trương từ: “Không Covid” sang: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”; vừa PCD hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết ngày 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt chính sách này, trên tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Sự thật đã được sáng tỏ. Thế nhưng các thế lực thù địch chắc chắn sẽ tiếp tục có những âm mưu, thủ đoạn mới, sẽ tiếp tục đăng đàn xuyên tạc, kích động nhằm tạo ra sự hoang mang trong xã hội. Mục đích nguy hiểm của chúng nhằm đánh lạc hướng, làm lung lạc niềm tin của nhân dân đối với công tác PCD Covid-19 ở nước ta. Sâu xa hơn là chúng muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ định thành quả của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần đoàn kết của dân tộc ta, muốn chúng ta đi chệch hướng.

Thế nhưng dẫu có bôi nhọ và xuyên tạc đến đâu thì các thế lực phản động, cơ hội chính trị cũng không thể bẻ cong được sự thật, khi mà nhiều quốc gia, tổ chức uy tín trên thế giới đã và đang đánh giá cao Việt Nam trong xử lý đại dịch Covid-19. Điều đó khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đoàn kết một lòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, PCD Covid-19 nói riêng.

ĐỖ PHÚ THỌ