Trong kế hoạch chiến lược ban đầu, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, trong đó, năm 1975 là bản lề tạo điều kiện cho năm 1976 giành thắng lợi. Hướng chiến lược được dự kiến là miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Sau nhiều lần nghiên cứu, trao đổi, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định chiến trường Tây Nguyên là hướng chiến lược chủ yếu, trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuật là điểm đột phá mở đầu trong chiến dịch.


 Bộ đội tiến công trong Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu.
Đối với chiến trường Tây Nguyên, đây là nơi tập trung cơ quan đầu não của Quân khu 2- Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Lực lượng tuy nhiều (63.000 tên), nhưng địch phải căng ra phòng ngự khắp Tây Nguyên, nuôi tham vọng giữ bằng được địa bàn chiến lược này. Hướng phòng ngự chủ yếu của địch là thị xã Pleiku và Kon Tum. Hướng thị xã Buôn Ma Thuột chúng có sơ hở và yếu hơn cả.
Xét về tương quan lực lượng thì ta chưa hơn địch. Để bảo đảm cho đòn mở đầu trên chiến trường Tây Nguyên chắc thắng, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên (B3) tích cực tổ chức chỉ đạo các hoạt động nghi binh. Theo đó, Sư đoàn 3, Trung đoàn 95A, Trung đoàn 25 cùng bộ đội địa phương trên địa bàn đánh cắt các tuyến giao thông huyết mạch (đường 19, 21, 14) nhằm chia cắt địch ở Tây Nguyên với đồng bằng ven biển và chia cắt địch ở Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên. Bộ Tổng tư lệnh còn bí mật tăng cường cho Tây Nguyên 2 sư đoàn, 1 trung đoàn và một số đơn vị binh chủng của Đoàn 559. Đây là một mưu hay, không chỉ đột ngột tạo nên một lực lượng mạnh ở chiến trường này mà còn góp phần lừa địch, tạo nên bất ngờ lớn đối với địch trong đòn tiến công chiến lược ban đầu.
Với quyết tâm giành thắng lợi ngay trong trận mở đầu, Quân ủy Trung ương chỉ đạo “Phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung chú ý vào bảo vệ phía Bắc Tây Nguyên”. Tiếp tục giữ bí mật tạo thế nghi binh theo “Kế hoạch tác chiến B”, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 10 bắn pháo vào Kon Tum, đánh nhỏ quanh thị xã; Sư đoàn 320 đánh nhỏ trên Đường 14, bắn pháo vào La Sơn, Thanh An; Trung đoàn 95 đánh địch trên Đường 19 ở Đông Pleiku; Trung đoàn Đặc công 968 tập kích kho xăng Pleiku. Mặt khác, Bộ tư lệnh chiến dịch còn bí mật đưa Sư đoàn 968 từ Nam Lào về Tây Nguyên thay thế vị trí Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320. Khi hai sư đoàn này hành quân vào Đắk Lắk đã để lại toàn bộ cụm điện đài và báo vụ viên ở lại vị trí cũ, hàng ngày vẫn duy trì liên lạc như bình thường để lừa địch.
Đầu tháng 2-1975, Sư đoàn 968 bắt đầu thực hiện nghi binh bằng việc tổ chức các trận đánh diệt các chốt tiền tiêu bên ngoài thị xã Pleiku làm cho địch lầm tưởng đó là hoạt động đánh phá của sư 10 và 320. Sư đoàn 968 còn thực hiện một loạt những trận đánh “bài bản” theo kiểu đột phá lần lượt trước khi đánh vào mục tiêu chính, thậm chí có cả pháo lớn tham gia như sắp có nhiều sư đoàn đánh vào Pleiku. Khi Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho Sư đoàn 968 đánh đồn Tầm và quận lỵ Thanh An, đồng chí Thanh Sơn còn hỏi lại: Sư đoàn 968 đánh thật hay đánh giả?
Cùng với cách đánh giả “như thật” của Sư đoàn 968, lực lượng công binh kết hợp với dân công các huyện 40, 67, 30, 80, Diên Bình, Tân Cảnh của Kon Tum và các huyện 4, 5 của Gia Lai rầm rộ đi làm đường “giả” hướng vào thị xã Kon Tum và Pleiku; mở tuyến đường song song với Đường 14 và nối với Đường 19 ở phía Tây Pleiku. Trong các hoạt động nghi binh, các lực lượng tham gia chiến dịch vẫn tuyệt đối giữ được bí mật, càng khiến cho địch khẳng định ta chuẩn bị đánh vào Kon Tum. Đặc biệt, chỉ riêng về nghi binh thông tin đã là một kỳ tích mà sau này Trung tướng Sác-lơ Tai-mít, cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu đã phải thú nhận: “Bằng nghi binh qua làn sóng điện, Việt Nam đã thành công trong kế hoạch giam chân bộ phận chủ yếu của quân đội Sài Gòn thuộc Quân khu 2 ở Pleiku”.
Về phía địch, chúng cũng cố gắng tìm hiểu xem Sư 10 và Sư 320 của Quân giải phóng thực sự đang ở đâu, nhưng đều bặt vô âm tín. Đầu tháng 2, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho Sư 10 cơ động bằng ô tô, chuyển thẳng vào Đức Lập, Sư 320 cũng bí mật hành quân vào phía Tây Ea H’leo, thậm chí gần đến ngày nổ súng mà địch vẫn không biết Sư đoàn 316 - lực lượng dự bị chiến lược của ta đã cơ động từ Nghệ An vào Đắk Lắk. Việc điều chuyển các sư đoàn chủ lực để hình thành thế  chiến dịch mà địch vẫn không hay biết đó nghệ thuật nghi binh rất tài giỏi và giữ bí mật tuyệt đối của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch và các lực lượng tham gia. Về chuẩn bị đường cho xe tăng- thiết giáp và xe kéo pháo, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng hai trung đoàn công binh (7 và 575) bí mật cưa cây, ngụy trang hướng vào các mục tiêu ở Đức Lập, Gia Nghĩa và Buôn Ma Thuật (Nam Tây  Nguyên).
Giữa tháng 2-1975, một chiến sĩ của ta đào ngũ đã khai báo với địch: Sư đoàn 10 đang chuẩn bị đánh Đức Lập, Sư đoàn 320 đang ở Ea H’leo chuẩn bị đánh Thuần Mẫn, một lực lượng khác đang chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuật, trong khi đó tình báo Mỹ vẫn khẳng định Sư 10 và 320 vẫn ở chỗ cũ. Lập tức, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát một bức điện gửi các đơn vị của ta với nội dung “địch đã bị mắc lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuật nên đã điều quân xuống phía Nam”. Những thông tin trái ngược làm cho Phạm Văn Phú (Tư lệnh Quân đoàn 2 VNCH) hoang mang không biết tin lời chiến sĩ đảo ngũ hay tin bức điện thu được. Bộ Tư lệnh chiến dịch tiếp tục lệnh cho các đơn vị ở Bắc Tây Nguyên tiếp tục chuẩn bị “đánh lớn” vào Pleiku, làm cho địch vội vã điều chuyển quân tiếp viện từ Buôn Ma Thuật cho Pleiku.
Như vậy, cho tới trước ngày nổ súng, mọi ý định chiến lược của ta vẫn giữ được bí mật. Nghệ thuật nghi binh của ta đã làm cho cả CIA và chính quyền, quân đội VNCH vẫn khẳng định “hướng đối phó chính vẫn là Pleiku”. Thậm chí, khi ta tiến công quận lỵ Thuần Mẫn (8-3), Đức Lập (9-3), tức là Buôn Ma Thuật đã phơi ra trước họng súng Quân giải phóng mà Phạm Văn Phú vẫn không biết được ý đồ tác chiến của ta. Đến 04 giờ sáng ngày 10-3, khi xe tăng của ta tiến vào Buôn Ma Thuột thì Tướng Phú mới biết được Buôn Ma thuật là mục tiêu chủ yếu của quân giải phóng thì đã quá muộn.
Như vậy, chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi là do ta đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất bài bản, công phu, với nhiều biện pháp sáng tạo, đánh giả như thật (ở Bắc Tây Nguyên), tung tin thất thiệt... Do ta làm tốt công tác nghi binh nên địch không nắm chắc và nhận biết được ý định, lực lượng của ta, từ đó không dự tính được kế hoạch đối phó, thậm chí đã nhận định sai tình hình. Với nghệ thuật nghi binh tài tình của Quân giải phóng đã làm cho địch trở tay không kịp. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch, đẩy địch từ sai lầm về chiến dịch đến sai lầm về chiến lược, rút bỏ Tây Nguyên, tạo điều kiện và thời cơ cho ta mở các chiến dịch tiếp theo giành thắng lợi, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30-4-1975.
Thạc sĩ VŨ BÌNH TUYỂN, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
(Tài liệu tham khảo chủ yếu: Tổng kết những trận đánh then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà Xuất bản QĐND 2001)  - QĐND 18.4.17