Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐẤU TRANH CHỐNG XÂM LĂNG VĂN HÓA TRONG CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH HIỆN NAY





Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”[1]. Theo đó, nhằm thực hiện có hiệu quả đấu tranh chống xâm lăng văn hóa trong chiến lược “diễn biến hòa bình” cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa.
Để giành thắng lợi trong “trận chiến văn hoá” với kẻ thù, một vấn đề có tính quy luật là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Với phương châm: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo”[2]. Đồng thời, sử dụng sức mạnh của Nhà nước, của chủ quyền quốc gia trong việc tạo dựng hành lang pháp lý ngăn cản sự thâm nhập của phản văn hoá bên ngoài vào nước ta. Do đó, cần tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Chấn chỉnh và quản lý tốt các hoạt động lễ hội. Rà soát, phát triển hợp lý các thiết chế văn hóa. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả và các quyền liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong ban hành các văn bản pháp quy và triển khai tổ chức thực hiện việc quản lý, khai thác sử dụng, kiểm tra chặt chẽ các công cụ, phương tiện, các loại hình hoạt động văn hoá: như internet, karaôkê, vô tuyến truyền hình, phim ảnh..., hạn chế thấp nhất các kẽ hở không để các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh tiến công văn hoá. Cần phải có chế tài nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm quy chế hoạt động văn hoá, lợi dụng hoạt động văn hoá để chống Đảng, chống chế độ, hoạt động mê tín dị đoan và khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình hoạt động văn hoá tốt đẹp. Tăng cường xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá thật sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, đủ khả năng làm tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về văn hoá.
Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân chống cuộc xâm lăng văn hóa.
Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống”[3]. Như vậy, cần phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người. Xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân là bài học kinh nghiệm quý trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta, cần phải được phát huy trong công cuộc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phải tạo được sự thống nhất về ý chí và hành động, phải đồng tâm hiệp lực từ trong Đảng đến các tổ chức quần chúng; từ cán bộ cấp cao đến những người lao động bình thường; từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa; từ cụ già đến các em nhỏ v.v..  cùng hướng tới những giá trị cao đẹp; cùng vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cùng nói không với những gì trái với luân thường, đạo lý, với truyền thống vẻ vang của dân tộc. Mỗi người Việt Nam, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo ở trong nước hay ở nước ngoài hãy luôn ngẩng cao đầu tự hào là dòng giống Lạc Hồng cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, của cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong cuộc chống xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch hiện nay là phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, của cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên khi nước nhà đã thống nhất, chưa nếm trải gian khổ, hy sinh; chưa từng được chứng kiến những năm tháng hào hùng của sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Vì vậy, cần thấm nhuần và thực hiện có hiệu quả quan điểm Đại hội XII của Đảng về: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”[4]. Do đó, chúng ta cần phải bồi đắp và khơi dậy ở mỗi con người Việt Nam lòng tự tôn dân tộc và ý chí, nghị lực vươn lên để làm giàu cho bản thân, gia đình và làm giàu cho đất nước. Mỗi người Việt Nam dù làm bất cứ việc gì, ở bất cứ đâu đều phải “tự hào là người Việt Nam”; phải làm được nhiều việc tốt góp phần đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm Châu trên thế giới như Bác Hồ hằng mong đợi.
          Thứ tư, sáng tạo và tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hoá có sức hút mạnh mẽ các tầng lớp dân cư, đặc biệt là lớp trẻ. Đồng thời, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Một vấn đề hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống “xâm lăng văn hoá” hiện nay là phải sáng tạo và tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hoá có sức hút mạnh mẽ các tầng lớp dân cư, đặc biệt là lớp trẻ thì mới có thể thành công trong việc “giành giật từng trái tim, khối óc” về phía mình. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã ra sức tìm tòi, có nhiều hoạt động khá cụ thể nhưng chưa thường xuyên, mới chỉ tập trung ở các thành phố, thị xã, các trung tâm kinh tế - văn hoá; nội dung còn khô khan, xơ cứng, gượng ép. Không ít các hoạt động văn hoá ở chỗ này, chỗ kia bị thương mại hoá; các hiện tượng “chạy sô”, “diễn sô”, chạy theo thị hiếu tầm thường... xuất hiện. Đồng thời, do nhiều nguyên nhân, chi phí các hoạt động văn hoá còn quá cao, giá vé đắt, các đối tượng thu nhập thấp khó có thể tham gia, thưởng thức; ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn vẫn là những nơi “trận địa còn bị bỏ trống”. Trong khi đó, văn hoá xấu độc được các thế lực thù địch hà hơi, tiếp sức có điều kiện len lỏi vào từng ngõ xóm, từng quán nước, quán cà phê, thậm chí vào cả từng lớp học, bò vào tận giường ngủ của từng gia đình để lung lạc tư tưởng, tình cảm của mỗi con người Việt Nam đối với quê hương, đất nước.
Trong “trận chiến văn hoá” này phải bằng nhiều hoạt động với nội dung cụ thể, thiết thực; phải đi vào lòng người, vào từng con người và huy động được sức mạnh nội sinh của cả dân tộc mới có thể đè bẹp sự tấn công của kẻ thù. Đồng thời, cần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Cũng như, đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa lành mạnh, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội.
Trong điều kiện mở cửa hội nhập, đa dạng hoá, đa phương hoá hiện nay, cần chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa đối với nước ta hiện nay. 
                                                                                                            NIỀM TIN


[1] VKĐHĐBTQLTXII, Sđd, tr.127.
[2] VKĐHĐBTQLTXII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.133.
[3] VKĐHĐBTQLTXII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.127.

[4] VKĐHĐBTQLTXII, Sđd, tr.127.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét