Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH KHOA HỌC HỒ CHÍ MINH THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XII CỦA ĐẢNG

Niềm Tin
 Tuy sinh ra ở một đất nước có nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, nhưng Hồ Chí Minh đã sớm tự xây dựng cho mình một phong cách làm việc khoa học thực thụ. Điều này được thể hiện rất rõ ở việc biết quý trọng thời gian và sắp xếp công việc hàng ngày đến từng buổi, từng giờ để giành thời gian cho việc tự học của Người trong những năm tháng Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau này khi đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, Người đã định hình được một phong cách khoa học trong công tác, trong lãnh đạo trên những cương vị mà Người đảm nhiệm.
Phong cách khoa học Hồ Chí Minh được thể hiện trước hết là ở đức tính trung thực, khách quan, khoa học với lòng nhiệt tình cách mạng. Theo Hồ Chí Minh có nhiệt tình cách mạng, tâm huyết với nghề nghiệp thì mỗi cán bộ, đảng viên mới đủ sức đảm đương tốt chức trách, nhiệm vụ vẻ vang của mình trước Đảng, trước nhân dân. Tuy nhiên, nhiệt tình cách mạng phải kết hợp với trung thực, khách quan, khoa học giúp cho mỗi người tránh khỏi những sai lầm, hành động chủ quan, tùy tiện. Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng Người chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: vì sao có vấn đề này? xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”[1]. Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận rồi mới quyết định và thực hiện đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới, phức tạp có ảnh hưởng lớn tới tổ chức đảng, đơn vị, bộ đội và nhân dân, cần phải làm thử, làm điểm trước khi quyết định. Tuyệt đối không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan duy ý chí, che dấu khuyết điểm để chạy theo thành tích.
Thứ hai, phong cách khoa học Hồ Chí Minh thể hiện ở việc làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải sát hợp. Người dạy cán bộ, đảng viên: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Theo đó, kế hoạch phải sát, thực; kế hoạch đặt ra để mình làm và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng. Người phê phán một số cán bộ lãnh đạo: “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì cũng không triệt để”[2]. Vì vậy, Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi, muốn lãnh đạo đúng thì “phải tổ chức sự thi hành đúng”[3]. Nếu chương trình kế hoạch có hay đến mấy, nhưng tổ chức thi hành không đúng, thiếu biện pháp thích hợp, bản thân mình thiếu quyết tâm, hoặc không biến quyết tâm của lãnh đạo thành quyết tâm của quần chúng, thì mọi chương trình, kế hoạch đều không trở thành hiện thực. Do đó, theo Hồ Chí Minh, mọi cán bộ, đảng viên trong công việc, trong mọi lúc mọi nơi, cần phải có sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, lời nói với việc làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào...“trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng. Lời nói và việc làm của đảng viên rất quan hệ đến sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng”[4]. Người phê phán một số cán bộ, đảng viên chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Phong cách khoa học đòi hỏi “lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người cán bộ, đảng viên không phải một ông quan suốt ngày ngồi bàn viết thông báo, chỉ thị mà phải nhúng tay vào mọi việc để dìu dắt người khác, “phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và hỏi han dân”[5]; “cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời làm đến nơi đến chốn”. Người phê phán bệnh hữu danh vô thực ở không ít cán bộ, đảng viên, ở lối làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm nên; làm qua loa, đại khái, làm cho có chuyện, làm ít suýt ra nhiều, báo cáo cho oai, cho có thành tích là “có tội với Đảng” và “cũng là một bệnh rất nguy hiểm”[6].
  Thứ ba, phong cách khoa học Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc làm phải cụ thể, sâu sát với công việc, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; giản dị, khiêm tốn, gắn bó mật thiết với quần chúng, nêu gương và làm gương trước quần chúng. Sâu sát với công việc, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có tham gia hay không. Họ quyên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”[7]. Đúng với quan điểm của V.I.LêNin lãnh đạo mà không kiểm tra, có nghĩa là không lãnh đạo.
 Đức tính giản dị, khiêm tốn, gần gũi với quần chúng của Hồ Chí Minh luôn được thể hiện trong lời nói, việc làm; ở nếp sống, cách sinh hoạt; trong giải quyết các công việc, luôn thể hiện thái độ cầu thị, khiêm nhường, không cầu kỳ, quan cách, phô trương hình thức, kịp thời giải quyết các nguyện vọng, đáp ứng các quyền lợi chính đáng của quần chúng. Ở khía cạnh nêu gương và làm gương trước quần chúng, ngay từ những năm 1924 trong Thư gửi đồng chí Pê Tơ Rốp, Tổng thư ký ban phương Đông, Hồ Chí Minh đã gửi tới những người cộng sản một thông điệp: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[8]. Sau này, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, Người căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng: “Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quí mến những người có tư cách đạo đức”. Theo đó, sự mẫu mực về đạo đức, lối sống là phẩm chất quan trọng hàng đầu trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu về mọi mặt, nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; trong cuộc sống không thu vén lợi ích cá nhân, không lấy của công làm của tư, luôn chăm lo lợi ích cho quần chúng nhân dân. Với tinh thần: nhân dân chưa đủ cơm ăn, chưa đủ áo mặc, chỗ ở tuềnh toàng thì cán bộ, đảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ.
 Trong điều kiện hiện nay, học tập và làm theo phong cách khoa học Hồ Chí Minh, đó chính là nêu cao tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức vụ đứng đầu tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền. Đây cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng mà Nghị quyết Trung ương IV khóa XII của Đảng chỉ ra: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”[9]. Vì vậy, đòi hỏi trước hết ở đội ngũ cán bộ, đảng viên đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị phải thật sự làm gương, nói làm gương, thực hành làm gương cả trong suy nghĩ, cả trong tư tưởng, cả trong tình cảm, cả trong đời sống nội tâm, cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và hành động làm gương đó phải thực sự trở thành nhu cầu của sự hoàn thiện nhân cách, tức là làm gương phải hoàn toàn tự giác. Tất cả những vấn đề trên, đòi hỏi sự cố gắng từ nhiều phía, từ phía tổ chức Đảng, từ phía cán bộ, đảng viên, từ phía mỗi cá nhân cụ thể phải có quá trình tu dưỡng, rèn luyện, giáo dục, tiếp nhận phong cách làm việc của Hồ Chí Minh mà đưa vào trong đời sống lãnh đạo của Đảng ta, đời sống của nhân dân, đời sống của cán bộ, đảng viên để chúng ta học tập, thực hành làm theo.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t 5, tr.239.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.463.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.285.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.288.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 711.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.257.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.520-521.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.263.
[9] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr.38.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét