Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

BẢO ĐẢM VÀ PHÁT HUY DÂN CHỦ TRONG ĐIỀU KIỆN MỘT ĐẢNG CẦM QUYỀN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Vẫn những điệp khúc cũ rích, các thế lực thù địch rêu rao rằng, ĐCSVN là tổ chức chính trị “độc tài, độc đoán, mất dân chủ”(!) Lý do mà chúng đưa ra là: chỉ có sự “cạnh tranh”, “đối trọng” nhiều đảng thì xã hội mới có dân chủ thực sự! Phải chăng là như vậy?
1. Vấn đề thực hiện dân chủ của xã hội không phụ thuộc vào số lượng các chính đảng. Có khi một quốc gia chỉ có một đảng nhưng vẫn bảo đảm và phát huy được dân chủ cho toàn xã hội; có khi một quốc gia có nhiều đảng nhưng đất nước vẫn không có dân chủ. ĐCSVN là đảng duy nhất hiện nay đóng vai trò cầm quyền ở đất nước Việt Nam. Sự cầm quyền của ĐCSVN là sự lựa chọn của lịch sử vận động phát triển của cách mạng Việt Nam; là kết quả của sự hy sinh, phấn đấu của toàn Đảng qua các thời kỳ cam go của cách mạng; được nhân dân Việt Nam tin yêu, trao trọng trách dẫn đường phát triển cho dân tộc. Đảng dứt khoát không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập là hoàn toàn phù hợp với điều kiện của xã hội nước ta trong bước đường phát triển, là sự phản ánh bản chất của một đảng mácxít - Lênin-nít chân chính. Đó là một đảng mang trong lòng sự phát triển theo các nguyên tắc của một đảng chính trị tiên phong, trong đó đậm nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; một đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, với vận mệnh của dân tộc; một đảng phát triển trên nền tảng dân chủ và chỉ phát triển vững mạnh khi có chế độ sinh hoạt dân chủ thực sự. Thực tế cho thấy trong thế giới hiện thời, có một số nước theo chế độ đa đảng; trong đó, một số nước theo chế độ lưỡng đảng thay nhau cầm quyền, có nước theo chế độ một đảng duy nhất. Trình độ dân chủ của xã hội trên thực tế ở các nước trên thế giới hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng của các đảng. Ở một số nước, nhiều đảng tranh nhau số phiếu cử tri, đấu đá nhau trên chính trường khiến xã hội rối loạn, xảy ra tình trạng vô chính phủ, mất ổn định chính trị và như vậy xã hội không bảo đảm được dân chủ. Một số nước theo chế độ đa đảng, nhưng thực chất vẫn chỉ có một đảng cầm quyền, còn lại những đảng khác tồn tại chỉ là hình thức. Một số nước chỉ có một đảng nhưng chính trị - xã hội vẫn ổn định, vẫn bảo đảm và phát huy được dân chủ, thực tiễn cho thấy ở thể chế một đảng cầm quyền của Trung Quốc (dù là nhiều đảng, thực chất mấy chục năm qua vẫn là Đảng Cộng sản cầm quyền), của Lào, Cuba và của Việt Nam, mặc dù xã hội chưa đạt trình độ phát triển cao như các nước phát triển phương Tây, song chế độ dân chủ được đề cao, được bảo đảm, dân chủ ngày càng được thực hành rộng rãi hơn, thực chất hơn; đời sống chính trị - xã hội ổn định. Việc chỉ có một đảng hay có nhiều đảng hoàn toàn do điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước chế định. Chính vì vậy, trình độ dân chủ của xã hội nhất thiết không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít chính đảng, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: chất lượng của chính bản thân đảng cầm quyền; chế độ chính trị của quốc gia; trình độ dân trí, mà trình độ dân trí là sự tổng hòa của các yếu tố truyền thống, học vấn, văn hóa;...
Nói như vậy, không phải cứ có ĐCS (một đảng mặc dù mang trong lòng mình bản chất khoa học và cách mạng) là nghiễm nhiên bảo đảm dân chủ cho xã hội. Điều kiện tiên quyết bảo đảm và phát huy dân chủ cho toàn xã hội trong điều kiện một đảng cầm quyền, là đảng cầm quyền ấy phải có nhận thức đúng, hoạt động theo quy luật khách quan và được xây dựng thực sự trong sạch, vững mạnh. Do đó, ĐCSVN luôn phấn đấu để thể hiện bản chất của mình trong thực tế, làm cho Đảng luôn luôn trở thành tổ chức tiên phong dẫn dắt sự phát triển của toàn dân tộc.
2. Bảo đảm và phát huy dân chủ của xã hội trong tình hình hiện nay ở nước ta. Việt Nam đang tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, theo hướng CNH, HĐH, mở cửa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[1]. Vì vậy, yêu cầu về dân chủ trong đời sống của đất nước ngày càng cao. ĐCSVN duy nhất cầm quyền có nhiều lợi thế cho sự ổn định chính trị như thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, nhưng điều đó cũng chứa đựng nguy cơ mất dân chủ. Do đó, để bảo đảm và phát huy dân chủ cho xã hội trong chế độ một đảng cầm quyền, cần chú trọng những vấn đề sau:
Một là, Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra vấn đề đối thoại dân chủ và thông qua vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng tập hợp quần chúng và phản biện xã hội có chất lượng, hiệu quả. Nội dung này cũng thể hiện rõ những hình thức thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa phù hợp với trình độ, đặc điểm tâm lý con người Việt Nam. Nhận thức được vấn đề thực tiễn này, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chí rõ: “Dân chủ đòi hỏi phải được đối thoại; đối thoại để tạo sự đồng thuận,... Nhu cầu đối thoại sẽ là một trong những nhu cầu chính đáng và vô cùng có lợi để xã hội phát triển nhanh hơn và đúng hướng. Trong điều kiện chỉ có một đảng cầm quyền thì đối thoại cởi mở là phương sách tốt nhất tranh thủ trí tuệ của cả dân tộc...”[2].
Hai là, Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sự kết hợp giữa “xây và chống”; phát huy dân chủ đi liền với tăng cường pháp chế”; và đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch lạc, sự chống phá của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch thường vin vào cớ: một Đảng duy nhất cầm quyền... để xuyên tạc, phủ nhân dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng suy luận ra nhiều điều bài giả nhân, giả nghĩa, giả khoa học để lừa bịp quần chúng nhân dân và lôi kéo những phần tử bất mãn. Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh các thế lực thù địch thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình như hiện nay thì kết hợp giữa xây và chống là tất yếu và diễn ra gay go, phức tạp. Cùng với nó là những tàn tích tâm lý thần dân của xã hội thuộc địa, nừa phong kiến vẫn còn sâu đậm thì vấn đề đấu tranh đào thải, lọc bỏ được hiểu như một biện pháp thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Với ý nghĩa đó, sự tồn tại của pháp quyền là tất yếu để bên cạnh giáo dục, thuyết phục, dẫn dắt quần chúng thực hiện quyền làm chủ, còn có những trường hợp phải dùng sức mạnh của pháp luật cưỡng chế mới có tính khả thi. Đặc biệt những lực lượng chống phá bằng lực lượng, thậm chí bằng vũ trang thì càng cho thấy phải có sức mạnh cưỡng chế rất cụ thể. Vận dụng quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về: “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ cương... Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức”[3] vào từng hoạt động trên tất cả các lĩnh vực hiện nay.
Ba, Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước để bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu về công tác cán bộ. Điều này có mâu thuẫn với việc bảo đảm và phát huy dân chủ cho xã hội không? Về nguyên tắc, điều này không có gì mâu thuẫn với vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Và với vai trò như vậy, ĐCSVN là người chịu trách nhiệm cuối cùng, lớn nhất đối với chất lượng của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Vấn đề là ở chỗ, trong thực tế hoạt động lãnh đạo công tác cán bộ, Đảng phải cụ thể hoá bằng những cách thức như thế nào cho phù hợp với từng thời kỳ.
Làm tốt những vấn đề đó, Đảng ta sẽ đủ sức lãnh đạo đất nước tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới và đó sẽ là lời khẳng định đanh thép nhất: ở Việt Nam duy nhất chỉ cần ĐCSVN cầm quyền, lãnh đạo vẫn bảo đảm và phát huy dân chủ; Việt Nam không cần đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 220
[2] Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb CTQG - ST, H. 2016, tr. 144
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 170

                                                                                                                                      Phương Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét