Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

NGUỒN SỨC MẠNH VÔ ĐỊCH LÀM NÊN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Phạm Trung

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài về tinh thần và lực lượng. Nhận thấy vai trò to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, năm 1930, ngay từ Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết các giai tầng trong xã hội, các tổ chức chính trị và mọi người dân, tạo sức mạnh to lớn để phấn đấu cho sự nghiệp chung giải phóng dân tộc. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội Đảng lần thứ nhất (tháng 3 năm 1935) đã thông qua nghị quyết về công tác Phản đế liên minh, quyết định thành lập và thông qua điều lệ của tổ chức nhằm tập hợp tất cả các lực lượng phản đế toàn Đông dương. Điều lệ của Phản đế liên minh rộng và linh hoạt hơn Điều lệ Hội phản đế đồng minh. Bất kỳ người hoặc đoàn thể nào thừa nhận nghị quyết, Điều lệ và thường xuyên nộp hội phí thì được thừa nhận là hội viên. Năm 1936, 1938, 1939, khối đại đoàn kết dân tộc luôn được Đảng ta, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quan tâm củng cố và tăng cường thông qua nhiều tên gọi khác nhau, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể: Mặt trận thống nhất nhân dân Phản đế, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông dương. 

Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ tám, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, Mặt trận dân tộc thống nhất chống phátxít Nhật, thực dân Pháp với tên gọi Việt nam Độc lập đồng minh gọi tắt là Việt minh đã ra đời ngày 19/5/1941 lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt minh và làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 6 tháng 6 năm 1941, khởi đầu tiến trình chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết thư Kính cáo đồng bào kêu gọi: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết.”[1]. Người chỉ ra mục tiêu chung để tập hợp đông đảo quần chúng trong bài thơ Mười chính sách của Việt minh “Một là ích nước, hai là lợi dân.”[2]. Nhờ vậy, Mặt trận Việt minh thu hút được đông đảo đồng bào yêu nước, từ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản đến tư sản dân tộc, phú nông và một số địa chủ nhỏ có tinh thần yêu nước, đưa tới cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật của toàn dân ta trong những năm 1941 - 1945.

Ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt minh triệu tập họp ở Tân Trào đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định quốc kỳ, quốc ca, cử ra Uỷ ban giải phóng dân tộc (Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Do tận dụng tốt tình thế, thời cơ cách mạng, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo về tinh thần và lực lượng, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã diễn ra rất mau lẹ, hầu như không đổ máu nhưng thắng lợi rất lớn. Ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đại biểu Tổng bộ Việt minh Nguyễn Lương Bằng đọc lời hiệu triệu đồng bào cả nước. Mặt trận Việt minh trở thành một trong những nhân tố cơ bản bảo đảm cho Cách mạng Tháng Tám thành công.

Như vậy, đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Cần tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát huy nguồn sức mạnh vô địch, đưa công cuộc đổi mới đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng./.



[1] Hồ Chí Minh (1941), “Kính cáo đồng bào”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.230.

[2] Hồ Chí Minh (1941), “Mười chính sách của Việt Minh”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.242.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét