Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Xây dựng Quân đội hiện đại - quan điểm đúng đắn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược

 QPTD-Xây dựng Quân đội hiện đại là quan điểm, chủ trương chiến lược, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm bảo đảm cho Quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vậy mà, hiện nay các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc, chống phá hòng làm chậm tiến trình, chệch hướng mục tiêu hiện đại hóa, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ đoạn này cần phải được nhận diện, đấu tranh, loại bỏ để bảo vệ tính đúng đắn, khoa học của chủ trương, định hướng trên; đồng thời, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội.

Xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng (từ Đại hội VI đến Đại hội XII), mặc dù câu chữ thể hiện có khác nhau, nhưng Đảng ta đều nhất quán quan điểm: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Đặc biệt, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, quan điểm về “Xây dựng Quân đội hiện đại” tiếp tục được bổ sung, phát triển, thể hiện rõ nét hơn với mục tiêu, lộ trình, bước đi cụ thể: “Xây dựng Quân đội nhân dân,… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội… tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”1. Đây là quan điểm, chủ trương, phương hướng hoàn toàn đúng đắn, khoa học, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài; là đòi hỏi tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế thời đại, khả năng nền kinh tế đất nước, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới - vấn đề đang được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm, Nhân dân vô cùng mong mỏi, nhằm tăng cường chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Thực hiện chủ trương đó, những năm gần đây, Quân đội được điều chỉnh, xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, một số lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu không ngừng được nâng lên, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vậy mà, với dã tâm phá hoại sự nghiệp xây dựng Quân đội, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, công kích chủ trương đúng đắn đó, chúng cho rằng: Thời bình không cần thiết phải xây dựng lực lượng vũ trang, hiện đại hóa Quân đội, đó là sự “lãng phí, tốn kém”, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước; đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác toàn diện, sâu rộng với các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế,... thì càng không có nguy cơ xảy ra xung đột, chiến tranh, nên không cần xây dựng Quân đội hiện đại. Chúng soi mói, chĩa mũi vào hiệu quả tiến trình hiện đại hóa, phủ nhận vai trò của Quân đội, lợi dụng các vấn đề an ninh phức tạp trên Biển Đông để kích động, tuyên truyền Quân đội “vô dụng”, chi phí, tiêu tốn nhiều ngân sách Nhà nước, nhưng khi có tình huống thì “không dám động binh”,… nhằm làm cho tình hình Biển Đông “nóng” lên, Nhân dân hiểu sai lệch đường lối, chủ trương hiện đại hóa Quân đội của Đảng, từ đó làm chậm tiến độ, chệch hướng, tiến tới không thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa Quân đội.

Thậm chí, lợi dụng sai phạm của một số cán bộ, sĩ quan cao cấp trong Quân đội thời gian qua, chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc: xây dựng Quân đội hiện đại chính là môi trường, “mảnh đất màu mỡ” cho nạn tham nhũng trong Quân đội “đâm chồi, nảy lộc”. Thâm độc hơn, chúng khuyên nhủ: “Để hiện đại hóa Quân đội, nên liên minh, liên kết với cường quốc có nhiều vũ khí, trang bị hiện đại, đang muốn giúp đỡ Việt Nam xây dựng theo mô hình quân đội kiểu phương Tây - quân đội nhà nghề”. Nguy hiểm hơn, chúng còn rắp tâm quy kết: Việt Nam xây dựng Quân đội hiện đại là “khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực”, làm cho tình hình an ninh, chính trị, quốc phòng khu vực trở nên phức tạp hơn, v.v.

Những luận điệu trên nghe qua có vẻ là yêu nước, có thái độ phẫn nộ với hành động sai trái, nhưng nghiên cứu kỹ bản chất thì thấy đó vừa là sự ngộ nhận, vừa thâm độc và cực kỳ nham hiểm, phản động; không dựa trên bất cứ cơ sở lý luận, thực tiễn khoa học nào; vừa thiếu khách quan, vừa sai lệch về bản chất; thậm chí xuyên tạc, bóp méo sự thật. Chúng không hiểu mục đích hiện đại hóa Quân đội của Việt Nam là để tự vệ; không hiểu chính sách “bốn không” trong đó có “không liên minh quân sự”; không hiểu nghệ thuật “kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao” của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc và càng không hiểu cặn kẽ, bản chất của quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” - vấn đề quyết định sự tồn tại và phát triển của quốc gia - dân tộc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam. Động cơ của các thế lực thù địch, phản động lộ rõ bản chất cố tình gây nhiễu, cản trở sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; kích động, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, gây bất lợi cho nước ta trong quan hệ quốc tế và hợp tác quốc phòng, nhất là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước lớn.

Để khẳng định những luận điệu đó là phản động, thiếu cơ sở lý luận, sai bản chất cách mạng, thực tiễn khoa học, thiếu khách quan, chúng ta cùng nghiên cứu, phân tích, luận giải làm rõ vấn đề này.

Về cơ sở lý luận

Quan điểm “Xây dựng Quân đội hiện đại” của Đảng ta được nghiên cứu, kế thừa trên cơ sở những tư tưởng, bài học kinh nghiệm quý về xây dựng quân đội trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, như: “Binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, “quân lính thì cốt hòa thuận không cốt đông, cốt tinh nhuệ không cốt nhiều”2, “quân hùng, tướng mạnh, thống soái tài ba”, “phụ tử chi binh”, “cả nước là lính, toàn dân đánh giặc”, v.v. Nhờ những tư tưởng, quan điểm nổi bật về xây dựng quân đội đó mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã xây dựng và phát huy được sức mạnh của những đội quân thiện chiến, đánh tan mọi thế lực xâm lược ngoại bang, giữ yên bờ cõi, mang lại nền “thái bình, thịnh trị” cho muôn dân.

Không chỉ kế thừa những tư tưởng, bài học kinh nghiệm quý về xây dựng quân đội trong lịch sử dân tộc, Đảng ta còn kế thừa, phát triển lý luận về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản mà V.I. Lênin đã chỉ ra. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, vận dụng luận điểm: giai cấp vô sản muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, thì phải tổ chức ra quân đội của mình và xây dựng lực lượng đó đủ mạnh để chiến thắng chủ nghĩa đế quốc, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thấy rõ sự cần thiết phải nâng cao khả năng chiến đấu cho quân đội: “Quân đội của chúng ta là một bảo đảm thực sự khiến cho các cường quốc đế quốc chủ nghĩa không dám có chút mưu toan hành động gì, mưu toan xâm phạm gì đối với chúng ta được”3. Có thể nói, lý luận về xây dựng quân đội kiểu mới của V.I. Lênin là cơ sở quan trọng, nền tảng để Đảng ta xác định chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời hoạch định kế hoạch, lộ trình, bước đi phù hợp, vững chắc trong quá trình hiện đại hóa Quân đội.

Đặc biệt, chủ trương “Xây dựng Quân đội hiện đại” còn được Đảng ta kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về tổ chức xây dựng Quân đội hiện đại. Ngay từ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”4.

Đây là cơ sở, định hướng cơ bản để Đảng ta nhận thức, phát triển tư duy lý luận về xây dựng, hiện đại hóa Quân đội trong điều kiện cách mạng mới. Những cơ sở lý luận quan trọng đó khẳng định: xây dựng và hiện đại hóa Quân đội là nguyên tắc tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng, mang tính tất yếu, khách quan, phù hợp với xu thế thời đại và thực tiễn tình hình đất nước.

Cơ sở thực tiễn

Đối với thế giới, lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, mọi quốc gia, dân tộc đều chú trọng xây dựng quân đội lớn mạnh, nhằm nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền hòa bình. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, chủ nghĩa phát xít trỗi dậy, tăng cường chạy đua vũ trang để tiến hành chiến tranh xâm lược. Trong vòng 02 năm (1940 - 1941), nền công nghiệp chiến tranh Đức đã ưu tiên sản xuất, cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 đến 20.000 máy bay, xe tăng mỗi năm. Trước nguy cơ bị đe dọa tấn công bởi chủ nghĩa phát xít, Liên Xô đã chủ động xây dựng lực lượng quân đội (Hồng quân) hùng mạnh, trang bị hiện đại, đủ sức đánh bại phát xít Đức, bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững nền độc lập. Không chỉ trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, mà trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và những năm gần đây, việc xây dựng, phát triển, hiện đại hóa quân đội, tăng ngân sách chi tiêu cho quốc phòng trở thành xu thế phổ biến trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2022, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng cao nhất trong lịch sử, điển hình là Mỹ gần 900 tỉ USD (lớn hơn tổng ngân sách quốc phòng của 10 nước có chi tiêu quốc phòng lớn của thế giới cộng lại), tăng hơn 5% so với năm 2021; Nhật Bản hơn 5.000 tỉ Yên (hơn 47,2 tỉ USD), con số lớn hơn nhiều lần so với năm 2021, v.v.

Đối với Việt Nam, thời nhà Trần đã xây dựng lực lượng quân thường trực bao gồm: quân Cấm vệ, quân các Lộ, quân Vương hầu; ngoài bộ binh, kỵ binh còn tổ chức lực lượng thủy binh hùng hậu, cùng với sức mạnh toàn dân tộc ba lần đánh tan quân Mông -Nguyên , bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Nhà Tây Sơn tổ chức xây dựng quân đội theo hướng: thủy bộ hóa, nâng cao khả năng tác chiến trên sông, trên biển và trên bộ; trang bị cho quân đội nhiều vũ khí hiện đại thời bấy giờ, như:   đại bác, hỏa mai, hỏa cần, hỏa hổ,... trở thành một quân đội mạnh, hiện đại trong khu vực - quân đội “bách chiến, bách thắng”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, trang bị giáo mác nhiều hơn súng đạn đã phát triển thành một tổ chức vũ trang hùng mạnh, từng bước chuyển từ đánh nhỏ lẻ lên đánh lớn, từ đánh du kích lên đánh chính quy; từ tác chiến ở cấp chiến thuật lên tác chiến ở quy mô chiến dịch, chiến lược, càng đánh càng mạnh, làm nên kỳ tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta từng bước phát triển thành quân đội chính quy, hùng mạnh, có đủ các trung đoàn, sư đoàn bộ binh và các đơn vị quân chủng, binh chủng; phát huy sức mạnh tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng đánh địch cả trên bộ, trên không, trên biển. Bằng sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng Phòng không rộng khắp với các sư đoàn phòng không chủ lực biên chế vũ khí, trang bị hiện đại cùng lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam, quân và dân Hà Nội cùng với quân và dân cả nước đã làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, đánh bại hoàn toàn sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bằng sức mạnh hiệp đồng quân, binh chủng, ta tổ chức 05 cách quân tiến vào tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn được khẳng định trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Như vậy, trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, mặc dù chúng ta luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm có tiềm lực, sức mạnh kinh tế, quân sự hơn ta gấp nhiều lần, song nhờ có đường lối chính trị đúng đắn, có Quân đội hùng mạnh cùng quyết tâm chiến đấu dũng cảm và nghệ thuật quân sự đặc sắc, chúng ta đã giành thắng lợi.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những năm gần đây, Quân đội tiếp tục được xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, Quân đội đang đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa một số lực lượng: Hải quân, Phòng không - Không quân, Tác chiến điện tử,… một số lực lượng đang tiếp tục được đầu tư tiến lên hiện đại, tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Thực tiễn trên khẳng định, chủ trương: Xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị lịch sử to lớn của dân tộc, trở thành tất yếu, khách quan trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là chìa khóa, nhân tố đặc biệt quan trọng để chúng ta hoàn thành thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, bảo vệ vững chắc Tổ quốc sẽ tạo điều kiện, môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững; ngược lại, đất nước phát triển, kinh tế vững mạnh sẽ là cơ sở, tiền đề để đầu tư hiện đại hóa Quân đội, gia tăng tiềm lực, sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì vậy, để phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội phải được xây dựng hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ; ngăn chặn, đẩy lùi, hóa giải các nguy cơ xung đột, chiến tranh, giữ vững hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Cùng với đó, chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng để xây dựng Quân đội hiện đại vào năm 2030. Chủ trương đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế đất nước và có tính khả thi cao, do kinh tế - xã hội phát triển, công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực và còn sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa. Quy mô nền kinh tế nước ta hiện nay đạt hơn 400 tỷ USD, đứng thứ 04 khu vực ASEAN, thứ 11 châu Á5, cho phép chúng ta đầu tư xây dựng, phát triển, hiện đại hóa Quân đội, củng cố quốc phòng. Bên cạnh đó, nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta đã làm chủ được một số công nghệ lõi, nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí công nghệ cao,... góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đó là những bằng chứng khoa học, thuyết phục, đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch khi chúng rêu rao rằng: “Hiện đại hóa quân đội quá tốn kém và Việt Nam không đủ điều kiện để thực hiện, có chăng chỉ hiện đại hóa được một số lực lượng nhỏ”. Thực tiễn, qua hơn 10 năm thực hiện chủ trương “ưu tiên hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng”, chúng ta cũng đạt được những kết quả quan trọng và thu được nhiều kinh nghiệm quý. Đây là cơ sở vững chắc để Quân đội tiếp tục điều chỉnh theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng hiện đại.

Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, quan hệ, hợp tác quân sự, quốc phòng ngày càng mở rộng, phát triển; xu hướng hiện đại hóa quân đội của các nước ngày càng trở nên phổ biến, tạo ra môi trường, thời cơ, điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội. Nếu không có nhận thức đúng, không nắm bắt được thời cơ và xu thế của thời đại, không có tư duy chiến lược, thực hiện “đi tắt, đón đầu” thì Quân đội sẽ tụt hậu và không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn khách quan của tình hình thế giới, khu vực. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, nhất là sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, đã, đang và sẽ làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái và phương thức tiến hành chiến tranh. Cùng với môi trường tác chiến trên bộ, trên không, trên biển, trên vũ trụ; không gian mạng đã trở thành môi trường tác chiến thứ năm, với sự ra đời của chiến tranh mạng, tác động sâu sắc đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và mỗi quốc gia. Xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh ủy nhiệm, phi tiếp xúc, phi đối xứng,… sẽ là phổ biến; không gian và thời gian tác chiến cũng như ranh giới giữa ta và địch khó phân định. Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về quốc phòng, về xây dựng và hiện đại hóa Quân đội để thích ứng với điều kiện chiến tranh hiện đại, nhằm đánh bại đối phương, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là một tất yếu, khách quan.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh chưa từng có tiền lệ, vượt khả năng kiểm soát, dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế; nguy cơ chạy đua vũ trang, kể cả chiến tranh hạt nhân ngày càng lớn. Các nước lớn đẩy mạnh lôi kéo, tập hợp lực lượng, gia tăng đối đầu, cạnh tranh quyết liệt. Xung đột vũ trang, nhất là xung đột quân sự ở Ukraine; chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố, ly khai,… diễn ra ở nhiều nơi, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi quốc gia. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, Đông Nam Á với vị trí ngày càng quan trọng, trở thành tâm điểm cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên,… diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Trước tình hình đó, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đột phá, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại, nhằm gia tăng tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng, sức mạnh quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đi đôi với đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh bảo vệ quan điểm “xây dựng Quân đội hiện đại” của Đảng.

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ đấu tranh, bảo vệ quan điểm “Xây dựng Quân đội hiện đại”. Sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ đấu tranh, bảo vệ quan điểm “Xây dựng Quân đội hiện đại” nói riêng đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước. Vì vậy, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ quan trọng này, đòi hỏi các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Quân đội nhân dân phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về xây dựng, điều chỉnh lực lượng, hiện đại hóa Quân đội, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng Quân đội hiện đại với các biện pháp đấu tranh bảo vệ tính đúng đắn, khoa học của quan điểm, chủ trương này. Chú trọng tăng cường hiệu quả cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nói chung, nhiệm vụ hiện đại hóa Quân đội nói riêng; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nghệ thuật đấu tranh bảo vệ quan điểm; lấy hiệu quả xây dựng và hiệu quả đấu tranh bảo vệ quan điểm “Xây dựng Quân đội hiện đại” của các lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại làm tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chỉ huy các cấp.

Cùng với đó, Quân đội cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu tranh bảo vệ tính đúng đắn, khoa học của quan điểm “Xây dựng Quân đội hiện đại”; chú trọng kiện toàn, bồi dưỡng lực lượng, điều chỉnh phương pháp đấu tranh; định hướng, quản lý nội dung đấu tranh và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu tranh. Có cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích, động viên các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm tham gia đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương “Xây dựng Quân đội hiện đại”.

Tăng cường giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại và đấu tranh bảo vệ quan điểm này. Xây dựng Quân đội hiện đại và đấu tranh bảo vệ quan điểm “Xây dựng Quân đội hiện đại” là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng rất vẻ vang, nên phải tiến hành lâu dài, bền bỉ, không chỉ một sớm, một chiều. Trước hết, cần thống nhất về mặt nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân, trong đó lực lượng Quân đội là nòng cốt. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là các lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại cần tập trung quán triệt, giáo dục cho bộ đội nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, trọng tâm là quan điểm, đường lối, phương hướng, phương châm, nguyên tắc,… tổ chức xây dựng Quân đội hiện đại. Trong đó, tập trung đi sâu quán triệt, giáo dục cho bộ đội thấy rõ vị trí, ý nghĩa, sự cần thiết phải hiện đại hóa Quân đội trong giai đoạn hiện nay; nắm chắc cơ sở lý luận, thực tiễn khoa học, nhất là kết quả hiện đại hóa một số lực lượng thời gian qua; mục tiêu, yêu cầu, kế hoạch, lộ trình hiện đại hóa Quân đội giai đoạn tới; bản chất của quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” được cụ thể hóa thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, phát huy trách nhiệm trong xây dựng Quân đội hiện đại theo tinh thần “7 dám”6, nhất là “dám nói”, quyết tâm đấu tranh bảo vệ tính đúng đắn, khoa học, tính tất yếu khách quan của quan điểm, chủ trương này. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục theo hướng phù hợp với đối tượng, thiết thực, hiệu quả; thường xuyên cập nhật thông tin mới về sự chống phá của địch để có giải pháp đấu tranh trực diện, đáp trả kịp thời. Kết hợp giáo dục theo chương trình cơ bản với tổ chức tọa đàm, hội thảo, diễn đàn thanh niên, giáo dục chuyên đề,… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ hiện đại hóa Quân đội; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng đấu tranh và phát huy vai trò nòng cốt của Lực lượng 47 tại các cơ quan, đơn vị toàn quân trong đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương hiện đại hóa Quân đội.

Tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình hiện đại hóa khoa học, phù hợp; triển khai chặt chẽ, đồng bộ, vững chắc, đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm cho quá trình hiện đại hóa Quân đội đúng định hướng của Đảng, phù hợp với xu thế thời đại, khả năng, tiềm lực đất nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là lực lượng tiến thẳng lên hiện đại cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ điều chỉnh lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện,… hiện đại hóa theo nghị quyết, chương trình, lộ trình đề ra và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn tiếp theo, bảo đảm đồng bộ, thống nhất theo chủ trương, phương hướng hiện đại hóa từng phần, từng lực lượng, từng giai đoạn của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Trước mắt, cần tập trung đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm những lực lượng đang triển khai lộ trình hiện đại hóa, như: Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Tác chiến điện tử,… cả những mặt đã đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất hiện đại hóa các lực lượng tiếp theo. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1228/KH-BQP, ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, bảo đảm đồng bộ với chủ trương, chiến lược trang bị vũ khí hiện đại, nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự, phát triển công nghiệp quốc phòng, v.v. Quá trình thực hiện, tuyệt đối không nóng vội, chủ quan, duy ý chí,... mà phải có kế hoạch, lộ trình khoa học, có công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện, đáp ứng đầy đủ điều kiện cần thiết mới tổ chức thực hiện. Chú trọng công tác thẩm định, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ các loại vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại; tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí trong quá trình hiện đại hóa Quân đội. Kết hợp các bước cơ bản, vững chắc, đồng bộ với các giải pháp đột phá “đi tắt, đón đầu”, nhằm đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội. Kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách,… bảo đảm không những không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ mà còn gia tăng sức mạnh của từng cơ quan, đơn vị, tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Cùng với các giải pháp trên, phải tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường các biện pháp đấu tranh, làm thất bại mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm, tiến trình, mục tiêu hiện đại hóa Quân đội. Tập trung nhận diện, đánh giá toàn diện âm mưu, thủ đoạn, chỉ rõ bản chất, mục tiêu, phương thức, biện pháp, công cụ, ý định hoạt động nhằm đạt được mục đích sâu xa, nguy hiểm phía sau của các thế lực thù địch; từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo khả năng “miễn dịch”, “vô hiệu hóa” thủ đoạn xâm nhập, tấn công, phá hoại của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, sức mạnh rộng khắp của lực lượng 47 trong đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, bảo vệ tính đúng đắn, khoa học của chủ trương “Xây dựng Quân đội hiện đại” - xu thế tất yếu, khách quan “không thể đảo ngược”.

Như vậy, “xây” và “chống” là hai mặt của một vấn đề. Xây dựng Quân đội hiện đại xét về bản chất chính là làm cho tiềm lực quân sự đất nước mạnh lên, các thế lực thù địch suy yếu, dè chừng, không dám tấn công, chống phá dẫn đến thất bại; ngược lại, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các đòn tấn công, phá hoại của các thế lực thù địch chính là bảo vệ và tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại. Tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là chủ trương nhất quán, phù hợp với xu thế thời đại; là tất yếu, khách quan “không thể chối cãi”; hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Hai mặt này cần được kết hợp khoa học, bài bản, hài hòa, chặt chẽ, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng về “Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ĐỨC PHÚ – VIẾT VƯƠNG
__________________

1 - ĐCSVN -Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157 - 158.

2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam, Tập II, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 372.

3 - V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 40, Nxb CTQG, H. 2006, tr.288.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 585.

5 - Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh năm 2022.

6 - Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét