Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Kỳ II)

 TCCS-Trong tổng thể việc nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, Đảng ta nhấn mạnh cần chú trọng hơn đến nội dung của một số mối quan hệ lớn: Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, những nội dung ưu tiên trên cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh, yêu cầu đặt ra của từng giai đoạn cách mạng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm làng nghề gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận_Ảnh: TTXVN

Thứ hai, hình thành các quan điểm mang tính nguyên tắc và phương pháp luận trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn.

Cùng với việc nhận diện, tìm ra và bổ sung, điều chỉnh các mối quan hệ lớn ngày càng đầy đủ, bao quát, toàn diện hơn, một thành tựu lý luận khác trong quá trình nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong công cuộc đổi mới, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là việc đúc rút một số quan điểm mang tính nguyên tắc và phương pháp luận chung dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử để giải quyết đúng đắn, tránh phiến diện, tùy tiện, duy ý chí dẫn đến sai lệch trong nhận thức và vận dụng các mối quan hệ lớn vào thực tiễn.

Một là, hài hòa hóa trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn. Các mối quan hệ lớn tồn tại các mặt vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất. Khi các thành tố cấu thành được kết hợp hài hòa, ở thế cân bằng (lý tưởng), thì sẽ thúc đẩy sự phát triển. Do đó, trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn cần luôn hướng đến quan điểm hài hòa hóa, giữ cân bằng các mặt, thành tố cấu thành mối quan hệ lớn, tránh phá vỡ trạng thái cân bằng tự nhiên, trật tự lô-gíc hay phát triển thiên lệch, bất đối xứng. Không phải ngẫu nhiên, ngay từ giai đoạn đầu manh nha hình thành tư duy nhận thức về các mối quan hệ lớn, Đảng ta đã dùng các thuật ngữ “các mối quan hệ cân bằng lớn” hoặc “các mối quan hệ cân bằng chính” thay vì sử dụng “các mối quan hệ lớn” như hiện nay, hàm ý nhấn mạnh quan điểm hài hòa hóa hết sức quan trọng trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn. Tất nhiên, việc giữ trạng thái cân bằng giữa các mối quan hệ, các yếu tố cấu thành từng mối quan hệ mang ý nghĩa tương đối; trong mỗi giai đoạn cần xác định yếu tố cấu thành trọng yếu và thứ yếu của từng mối quan hệ, cũng như xác định mối quan hệ trọng tâm trong tổng thể các mối quan hệ lớn, để linh hoạt ưu tiên xử lý, tránh cực đoan, tuyệt đối hóa hay cào bằng, dàn hàng ngang, phân tán nguồn lực trong phát triển.

Hai là, các mối quan hệ lớn tồn tại khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của con người; con người không thể sáng tạo ra quy luật hay các mối quan hệ lớn, cũng không thể làm trái các quy luật tự nhiên của sự vận động xã hội bên trong các mối quan hệ lớn. Do đó, khả năng cơ bản của con người là nhận thức, thông hiểu ngày càng đầy đủ, sáng rõ hơn và vận dụng các mối quan hệ lớn phải thuận theo và dựa trên quy luật vận động khách quan của thực tiễn cách mạng, không được lấy ý chí chủ quan của chủ thể nhận thức áp đặt thô bạo lên hiện thực khách quan, làm méo mó bản chất các mối quan hệ lớn.

Tuy nhiên, sự thành bại trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn phụ thuộc nhiều vào việc con người sớm phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn của nó. Các mối quan hệ lớn phản ánh những quy luật xã hội thông qua hoạt động của con người, nên việc phát hiện mâu thuẫn và hiệu quả việc giải quyết mâu thuẫn bao giờ cũng phụ thuộc vào nhân tố chủ quan, trên cơ sở tôn trọng các quy luật khách quan, cụ thể là phụ thuộc vào trình độ trí tuệ, bản lĩnh và năng lực lãnh đạo tổ chức thực hiện của Đảng ta. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn xác định, “đổi mới... phải tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn”(1), là cơ sở cho việc nhận thức đúng đắn và giải quyết hiệu quả các mối quan hệ lớn, tạo tiền đề cho những thành công to lớn. Ngược lại, thực tiễn cũng chứng minh, mỗi khi đi ngược lại bản chất, quy luật khách quan đều dẫn đến nhận thức sai hoặc giải quyết không thỏa đáng, phù hợp các mối quan hệ lớn, nên phải trả giá, thậm chí trả giá rất đắt.

Thực tiễn hơn 36 năm đổi mới của nước ta là mảnh đất hiện thực quan trọng nhất để phát hiện và kiểm nghiệm tính đúng đắn của các mối quan hệ lớn. Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn là một quá trình liên tục và chính thực tiễn của công cuộc đổi mới đa dạng, phong phú ở nước ta là thước đo hiệu quả của công việc nêu trên, đồng thời là yếu tố quyết định sự biến đổi của các mối quan hệ lớn, cung cấp chất liệu sinh động cho công tác nghiên cứu lý luận của Đảng ta. Các mối quan hệ lớn là xuất phát điểm lý luận, nguyên tắc phương pháp luận để vận dụng vào thực tiễn; từ nhận thức các mối quan hệ lớn, chúng ta vận dụng vào tổ chức hoạt động thực tiễn, vì “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”; và, từ những diễn biến, kết quả cụ thể trong thực tiễn mà làm sáng tỏ thêm, thậm chí khám phá thêm nhiều vấn đề, tìm ra những thuộc tính mới của các mối quan hệ lớn.

Ba là, ở bình diện tổng thể, khi nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn cần trên quan điểm toàn diện, hệ thống, liên thông, tức là vừa xem xét mối quan hệ nội tại bên trong của từng mối quan hệ lớn, vừa xem xét trong tổng thể từng mối quan hệ với các mối quan hệ lớn khác, nhìn nhận hệ thống các mối quan hệ lớn trong mối quan hệ với các yếu tố quan trọng khác của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam; không xem xét từng thành tố của mối quan hệ lớn hay từng mối quan hệ lớn trong trạng thái đơn lẻ, tách rời, đứng biệt lập.

Quan điểm toàn diện chống quan điểm phiến diện, tức là chỉ thấy mặt này mà không thấy mặt kia; không bảo đảm tính đồng bộ, liên thông; không thấy được vị trí, vai trò khác nhau của các mối quan hệ trong tổng thể. Quan điểm toàn diện cũng hoàn toàn xa lạ với tư duy biệt phái, chiết trung và ngụy biện. Trong thực tiễn quá trình nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn ở nước ta, có lúc, có nơi mắc phải quan điểm phiến diện. Đó chính là lý do, lần đầu tiên khi chính thức định danh và đưa ra hệ thống các mối quan hệ lớn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Đảng ta đã nhấn mạnh phải “nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”(2). Tại Đại hội XIII của Đảng, sau một quá trình dài hình thành, phát triển tư duy lý luận và thực tiễn giải quyết các mối quan hệ lớn, Đảng ta vẫn giữ vững lập trường trên nguyên tắc toàn diện trong khi nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt, hiệu quả các mối quan hệ lớn và “tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện”(3).

Quân đội nhân dân Việt Nam diễu binh chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9 tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội)_Ảnh: Tư liệu

Trong các mối quan hệ lớn, có những mối quan hệ gồm hai thành tố (như giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...), nhưng cũng có mối quan hệ “tay ba” gồm ba thành tố (giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội...); mối quan hệ gồm năm thành tố (giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường)Nhận biết đặc điểm này để chú trọng vào tính đa diện, đa dạng, đa phức hợp của đối tượng và khi giải quyết các mối quan hệ lớn trong hoạt động thực tiễn, cần xem xét toàn diện, đầy đủ quan hệ của mỗi thành tố với từng thành tố còn lại và tổng thể mối quan hệ, tránh bỏ sót, nhìn nhận phiến diện hay đơn giản hóa.

Bốn là, khi nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn cần trên quan điểm phát triển bởi phát triển là khuynh hướng tất yếu của sự vận động, mặc dù quá trình vận động có thể diễn ra quanh co, khúc khuỷu và cả sự thoái bộ tạm thời, thậm chí những thất bại, đổ vỡ, nhưng cuối cùng đều tiến lên theo đường “xoáy ốc” ở nấc thang phát triển mới cao hơn. Nguyên nhân của sự phát triển là do các mối quan hệ lớn vừa thống nhất, ràng buộc, vừa chế ước, đấu tranh giữa các yếu tố cấu thành, các mặt đối lập, liên tục diễn ra quá trình phù hợp - không phù hợp - phù hợp... bên trong như là yếu tố nội sinh của sự phát triển. Đơn cử, trong mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển, nếu quá đề cao sự ổn định mà không đổi mới thì dễ dẫn tới sự trì trệ, ngưng đọng; nhưng đổi mới bằng mọi giá, bất chấp điều kiện hiện thực, nhảy từ cực nọ sang cực kia, phủ định sạch trơn cái cũ hay nóng vội, tùy tiện, vô nguyên tắc thường gây ra đổ vỡ, thất bại tạm thời...

Quan điểm biện chứng về sự phát triển đối lập với quan điểm siêu hình, khi xem xét sự vật ở trạng thái vận động, biến đổi không ngừng, không phải là sự cố định, bất biến; phải tìm ra khuynh hướng phát triển chung trong sự vận động vô tận và phức tạp. C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin kiên quyết bác bỏ quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội là nhất thành bất biến. “Không ngừng đổi mới là bản chất của chủ nghĩa xã hội, là quy luật tồn tại, phát triển, đồng thời là nguyên lý tự bảo vệ của chủ nghĩa xã hội”(4). Nằm trong quy luật chung, các mối quan hệ lớn cũng luôn vận động, biến đổi không ngừng. Mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi giai đoạn phát triển, các mối quan hệ lớn đều có sự biến đổi trong tự thân và biểu hiện ra bên ngoài mối liên hệ với các mối quan hệ lớn khác, bằng sự thay thế, mất đi hay bổ sung những đặc tính, trạng thái, thành tố khác nhau. Do đó, Đảng ta khẳng định, các mối quan hệ lớn không phải đã hoàn thiện, mà cần nghiên cứu, tổng kết để “tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn”(5).

Năm là, nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn vừa phải xem xét cả quá trình xuyên suốt, vừa ở từng hoàn cảnh lịch sử, điều kiện, không gian, thời gian cụ thể. Nhận thức về các mối quan hệ lớn là quá trình nhận thức lâu dài, cần xem xét cả quá trình, không ngắt đoạn, nhảy cực, thì mới thấy hết được sự vận động, phát triển liên tục của các mối quan hệ lớn; đồng thời, lại cần cắt lát để xem xét mối quan hệ lớn trong những hoàn cảnh, điều kiện, không gian, thời gian nhất định, cụ thể, đặc thù để hiểu sâu bản chất, chiều hướng vận động của các mối quan hệ lớn.

Ví dụ, đối với mối quan hệ lớn giữa “tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”: Giai đoạn trước đổi mới, chúng ta vận hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung nên không có điều kiện để đúc rút; những năm sau đổi mới, mặc dù phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhưng vẫn còn nặng quan niệm cũ, đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế tư bản chủ nghĩa, hơn nữa, ảnh hưởng của nền kinh tế kế hoạch hóa vẫn sâu đậm, do đó, chúng ta cũng chưa có đủ trải nghiệm và sự đổi mới về tư duy cần thiết để định hình mối quan hệ lớn trên. Do đó, phải 25 năm sau đổi mới, đủ thời gian vận hành nền kinh tế thị trường, nhận thấy nổi lên những mâu thuẫn lớn trong giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, nên Cương lĩnh 2011 lần đầu đề cập tới mối quan hệ trên cùng bảy mối quan hệ lớn khác; và 5 năm sau, tròn 30 năm đổi mới, cùng với việc định hình phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật kinh tế thị trường là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì nhận thức của chúng ta về nền kinh tế thị trường mới đủ chín muồi để Đại hội XII của Đảng điều chỉnh và khẳng định mối quan hệ lớn giữa “tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa” như hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Mỹ đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng_Ảnh: TTXVN

Điều đó cho thấy, hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã làm giới hạn về nhận thức, nên có những thuộc tính bản chất của mối quan hệ lớn chưa cho phép được nhận thức kịp thời. Nhận thức ở một giai đoạn cụ thể là phù hợp, nhưng do sự vận động liên tục của sự vật, hiện tượng làm thay đổi tính chất, đặc điểm, bản chất, nên giai đoạn sau, nhận thức đó có thể lại trở thành lỗi thời, không phù hợp. Nhưng, điều đó không có nghĩa là sự phát triển của mối quan hệ lớn không có tính hệ thống hoặc được phép phủ định sạch trơn quá khứ, mà ngược lại, mỗi sự phát triển về nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn đều có sự kế thừa và phát triển, kể cả những nhận thức chưa đầy đủ, những bước thụt lùi, bởi nó lại chính là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển tiến lên của những nhận thức mới đúng đắn về sau. Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn do vậy là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận không ngừng nghỉ, đầy công phu, phải đào thật sâu các tầng nấc bản chất của sự vật, hiện tượng và mối liên hệ phức hợp giữa chúng, không ngừng đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, thậm chí trong quá trình thử nghiệm không tránh khỏi cả những thiếu sót, sai lầm, song qua đó, khi tìm thấy các quy luật, chân lý phát triển và giải quyết tốt nó, càng cho thấy rõ sự phát triển về năng lực và trình độ lý luận của Đảng ta.

Các mối quan hệ lớn góp phần làm sáng rõ các quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam

C. Mác cho rằng, sự phát triển xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên hợp với quy luật(6). Do đó, việc nhận thức và nắm bắt được các mối quan hệ lớn, tức nhận thức và nắm bắt được các quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người; quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản, là một yếu tố quyết định đến việc Đảng lãnh đạo thành công xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực tiễn chứng minh, bất kỳ chính đảng cầm quyền nào đi ngược lại các quy luật phát triển đều thất bại. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu với sự tập trung cao độ quyền lực, vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa, quan liêu, bao cấp, chủ quan duy ý chí đã vi phạm các quy luật phát triển khách quan, nên tất yếu thất bại, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng vô sản và hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới. Đó là những bài học đắt giá, đòi hỏi các đảng cộng sản “tránh vết xe đổ”, mà một trong những bài học đó là bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền khoa học của đảng cộng sản, trên cơ sở tôn trọng và tất yếu theo quy luật phát triển khách quan, trên cơ sở nắm vững bản chất của những quy luật này và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng của mỗi nước. Và, một trong những thành tựu phát triển lý luận của Đảng ta là thông qua quá trình nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong công cuộc đổi mới, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã góp phần làm sáng rõ hơn các quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam nằm trong sự phù hợp với các quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người, xu thế của thời đại; với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó, soi đường cho sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều đó càng cho thấy, việc nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn - các quy luật phát triển của nhân loại, quy luật phát triển của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam - vào điều kiện cụ thể của nước ta, có ý nghĩa sống còn đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, với vai trò, vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta.

Nhiều mối quan hệ lớn phản ánh quy luật xã hội phổ biến thể hiện sự phát triển mang tính phổ quát của nhân loại (như mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội...), nhưng cũng có mối quan hệ (hoặc một mặt của mối quan hệ đó) phản ánh quy luật xã hội mang tính đặc thù nhiều hơn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (như mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...), có những mối quan hệ hàm chứa yếu tố mang tính quy luật trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ta (như mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ). Điều đó cho thấy quan điểm biện chứng về sự phát triển, quan điểm toàn diện, khách quan, khoa học của Đảng ta trong nhận thức về các quy luật phát triển khách quan phù hợp với tiến trình lịch sử xã hội loài người; vừa phát triển sáng tạo những đặc trưng riêng có trong mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh của nước ta, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, vừa đặt sự phát triển của đất nước trong tổng thể sự phát triển chung của nhân loại, không rơi vào chủ nghĩa biệt phái hay giáo điều, rập khuôn, mà sẵn sàng “tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học của nhân loại, để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(7).

Một là, các mối quan hệ lớn góp phần làm sáng rõ hơn các quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người, xu thế của thời đại, mà cách mạng Việt Nam là một bộ phận cấu thành trong đó.

Sự thay thế, phát triển đi lên của lịch sử xã hội loài người là do tác động của hệ thống các quy luật xã hội và tự nhiên, trong đó quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất là quy luật cơ bản nhất. Việc nhận thức ngày càng sâu sắc bản chất mối quan hệ lớn giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa giúp Đảng ta nắm rõ quy luật vận động, phát triển cơ bản nhất của xã hội loài người, từ đó lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đúng hướng, một cách sáng tạo, tự tin cách mạng vào con đường đã lựa chọn - con đường xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đi theo là một tất yếu lịch sử, phù hợp quy luật phát triển của nhân loại, với xu thế của thời đại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản (giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội). Cuộc khủng hoảng trầm trọng và đi đến sụp đổ một mảng lớn chủ nghĩa xã hội thế giới do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là không nắm vững về mặt lý luận phép biện chứng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất và do đó không vận dụng phù hợp lý luận này vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở điều kiện mới. Do đó, việc nắm vững quy luật vận động, phát triển chung của nhân loại giúp chúng ta không dao động, bi quan trước những diễn biến phức tạp của tiến trình cách mạng trong nước và ngoài nước, đồng thời không chỉ giữ vững tinh thần kiên định, tự tin cách mạng, mà còn có phương pháp tiến công cách mạng đúng đắn để tiến hành công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa thành công.

Màn trình diễn “Tinh hoa nghệ thuật Xòe” hội tụ những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc tiêu biểu của đồng bào Thái ở Tây Bắc - được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại_Nguồn: chinhphu.vn

Trong suốt gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm tìm tòi, phát triển nhận thức về mối quan hệ lớn giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên tổng thể và đối với từng yếu tố cấu thành. Đó là quá trình vận động và phát triển liên tục về nhận thức, có nhiều đổi mới và đột phá, đem lại những thành tựu to lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ mong muốn phải cải tạo ngay những quan hệ sản xuất phi xã hội chủ nghĩa thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, chuyển sang xây dựng và hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; từ muốn xóa bỏ tức thì các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa sang đa dạng hóa các hình thức và thành phần kinh tế, coi đây đều là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ chế độ phân phối bình quân chủ nghĩa sang chế độ phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, vận hành đồng bộ và đầy đủ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước... Tất cả đều nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy cao độ mọi nguồn lực, động lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo dựng nền tảng vật chất vững mạnh cho chủ nghĩa xã hội. Đây là yếu tố sống còn đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Mối quan hệ lớn giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa liên thông và được bổ trợ bởi các mối quan hệ lớn khác, như giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa ổn định, đổi mới và phát triển..., càng giúp làm sáng rõ hơn con đường của cách mạng Việt Nam phù hợp với các quy luật phát triển khách quan mang tính phổ quát và tiến trình lịch sử xã hội loài người.

TS LÊ HẢI
Tạp chí Cộng sản

(Còn nữa)

-------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 69
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t. 69, tr. 497
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 39
(4) Nguyễn Đức Bình: Chủ thuyết cách mạng và phát triển Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 198
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 39
(6) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 21
(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 35 - 36


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét