Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

BÁC HỒ VỚI CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG


Bác Hồ đã từng dạy rằng, làm việc gì cũng phải có quần chúng nhân dân tham gia. Trong đấu tranh chống tham nhũng, nếu không dựa vào sự phát hiện của nhân dân thì khó có thể “vạch mặt, chỉ tên” chính xác và kịp thời những “tham quan ô lại” mới.
Thật vậy, thực tế những năm qua cho thấy, đa số các vụ tham nhũng bị đưa ra trước “vành móng ngựa” đều do người dân phát hiện ra. Nhân dân là người làm ra mọi của cải xã hội, nhưng cuộc sống hiện tại còn đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lại dùng chức quyền và công vụ được giao phó, lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để đục khoét tài sản của Nhà nước, làm xói mòn bản chất của Đảng, làm hoen ố bầu không khí trong đời sống xã hội.
Sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân chính là sức mạnh và nhân tố quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Để khơi dậy và phát huy tính tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngoài việc cần phải thực thi luật pháp nghiêm minh, phải kiên quyết trừng trị những hành vi phạm pháp chống lại nhân dân, ngoài việc bản thân những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những cán bộ giữ những trọng trách cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước phải là những tấm gương mẫu mực trong đạo đức, lối sống thì việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa dân chủ trong nhân dân phải được coi trọng, được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, nghĩa là “phải làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.
Để chống tham nhũng một cách toàn diện và triệt để, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng biện pháp phát động tư tưởng quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí và tự giác tham gia vạch mặt chỉ tên bọn tham nhũng trước pháp luật và công chúng. Muốn làm được điều đó, người khuyên rằng: Đảng phải biết dựa vào quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị có đúng hay sai...
Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông, mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng; phải tiến hành cuộc đấu tranh quét sạch những ung nhọt ngay trong nội bộ Đảng. Muốn vậy, pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó ở địa vị nào, làm nghề gì.
Cần phải đưa những kẻ ăn của hối lộ ra để dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng. Vấn đề cuối cùng là công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh:
Cán bộ là "tiền vốn” của đoàn thể, có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công việc gì nếu có cán bộ tốt thì thành công tức là có lãi. Không có cán bộ tốt tức là hỏng việc, tức là lỗ vốn. Để có được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt rõ trọng trách: Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải ''cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".
Và "để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, các cơ quan, bộ đội, nhà máy, trường học... phải chống tham ô, lãng phí. Phải sử dụng tiền của sức lực và thời giờ của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu và đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí”.

2 nhận xét: