Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Nguyễn Thông - Kẻ vong ơn, bội nghĩa


Ngày 18-4-2017, dưới tiêu đề: “Nhà lý luận”, tác giả Nguyễn Thông lại giở trò thọc gậy bánh xe một cách thật ấu trĩ. Y nhã ý phê phán một cách ngớ ngẩn rằng: “Những nhà lãnh đạo bộ máy cầm quyền Việt Nam rất thích lý luận.
Theo họ, lý luận có tác dụng như ánh sáng,… như ngọn cờ, đưa đường chỉ lối, là điều kiện đầu tiên và tiên quyết, quyết định mọi thành bại trong thực tiễn. Không có lý luận cách mạng, sẽ không có phong trào cách mạng, họ khẳng định như vậy”[1].       
Với khúc dạo đầu như vậy, Nguyễn Thông đã tự chống lại thâm ý của chính mình là muốn hạ bệ các nhà lý luận cách mạng. Làm cái gì mà chẳng cần phải có lý luận đi trước, bởi điều đó cũng chính là một chỉ số của ranh giới, sự phát triển giữa con người có ý thức với các loài động vật chỉ làm việc theo bản năng. Chân lý đó đã được minh chứng, kết luận và được xã hội thừa nhận như là sự hiển nhiên không còn tranh cãi. Ấy thế mà, một người ít nhất theo tôi được biết đã là cử nhân văn học mà lại đi dè bỉu những nhà lãnh đạo cách mạng vươn lên trong nhận thức lý luận.
Đọc bài thấy rõ dã tâm của Nguyễn Thông muốn dùng một mũi tên đạt nhiều đích như hạ bệ vai trò lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ các nhà cách mạng tiền bối như Trường Chinh, Lê Duẩn… và đồng thời kê người này, hạ người kia trong số những người đã có nhiều công lao với đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Kỳ thực là, các nhà yêu nước, cách mạng nhiệt thành như: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… trong quá trình hoạt động cách mạng không ai nghĩ rằng sẽ trở thành “Nhà lý luận”. Do yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo đấu tranh cách mạng, từ thực tiễn trải nghiệm hoạt động cách mạng mà các ông đúc kết lên những kết luận mang tầm lý luận để tiếp tục soi sáng cho phong trào yêu nước, của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cũng cho thấy rằng không thể có tác giả nào tự đắc cho mình là nhà lý luận rồi được mọi người thừa nhận tung hô. Lịch sử vốn công bằng trong ghi nhận, đánh giá các sự vật, hiện tượng và vì thế, Nguyễn Thông, đừng quá bận tâm soi mói một bài viết nào đó, một diễn văn nào đó khi người ta đánh giá công lao của các nhân vật trong lịch sử. Điều đó tuy là quyền tự do của mọi người, nhưng thưa ông, phải có tâm thật sáng, am hiểu nhân vật lịch sử thật sâu sắc và đặt nó trong bối cảnh lịch sử nhất định thì mới có cái nhìn khách quan, công bằng ông ạ. Là một sinh viên văn khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội ở thời đó, chắc ông biết rất rõ rằng, ngay sau khi nhận tin miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào trưa ngày 30-4-1975, thì đúng chiều hôm đó, không ai bảo ai mà hàng nghìn sinh viên của Trường ở Ký túc xá Mễ Trì đã xuống đường cùng biểu lộ niềm sướng vui khôn xiết với đồng bào cả nước. Để có niềm vui thật sự lớn lao ấy, chắc ông thừa biết rằng, trong khi ông đang được ăn học ở mái trường Đại học “cao vời vợi” ấy thì hàng triệu người đã không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu, chiến đấu cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Và để có ngày độc lập tự do trọn vẹn ấy, nhiều nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng những người mà ông cho là “rất thích lý luận” đã dồn hết tâm sức, trí tuệ để tìm cho ra giải pháp giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối, cả nước độc lập, thống nhất - điều mà tâm nguyện của cả dân tộc đau đáu khát khao trong suốt 30 năm trường đầy gian khổ, hy sinh. Trong số các lãnh tụ có công lao to lớn đó, có Ông Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam - Người trước đó đã nhiều năm lăn lộn ở miền Nam mong sao tìm được giải pháp đấu tranh bằng giải pháp hòa bình để thống nhất đất nước. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”. Đổi lại mong ước thống nhất đất nước bằng thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết, được đế quốc Mỹ hỗ trợ đắc lực, Chính phủ Ngô Đình Diệm ra tay rào làng, lập ấp, lê máy chém đi khắp miền Nam khủng bố, tiêu diệt các lực lượng yêu nước, cách mạng. Với sự nhạy cảm về chính trị, ông Lê Duẩn đã tiên nhiệm được xu thế tất yếu để giành được độc lập tự do bằng con đường vùng lên đấu tranh cách mạng. Thực tiễn đã minh chứng sự đúng đắn của con đường được khởi thảo từ Đề cương cách mạng miền Nam mà ông Lê Duẩn là một trong những người tiên phong khởi xướng.
Lịch sử sẽ rất công bằng trong cảm nhận, đánh giá các sự vật, hiện tượng. Dù có thế nào đi nữa, tôi tin rằng những cống hiến của ông Lê Duẩn với sự nghiệp cách mạng Việt Nam là điều không thế lực nào có thể phủ nhận được. Điều đáng xấu hổ và rất đáng buồn là tại sao những người đã sống, chứng kiến một sự thật là dân tộc ta đã bị kẻ ngoại xâm trút lên hàng triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học, mở biết bao cuộc càn quét, giết hàng triệu dân lành,… và đồng thời biết rất rõ cả dân tộc này đã ra trận để chiến đấu giành độc lập tự do… mà hôm nay lại đi soi mói, phủ nhận sự tri ân của những người hậu thế với các nhà lãnh đạo. Phải chăng cái tâm đen và sự mù mờ về lí luận đã làm nảy sinh những kẻ vong ơn bội nghĩa “ăn tàn theo đóm” như Nguyễn Thông!   
[1] Khổ đầu của bài viết nêu trên của tác giả Nguyễn Thông.
Tác giả: Thanh Nhàn 
 Nguồn: www.nhanvanviet.com

 

 

 

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét