Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH TẬP THỂ - DÂN CHỦ HỒ CHÍ MINH


     Niềm Tin
Xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đồng thời cũng xuất phát từ bản tính vốn có của mình, Hồ Chí Minh thực sự là tấm gương sáng về phong cách làm việc tập thể - dân chủ. Gắn bó tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể luôn thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh. Người vẫn thường nói: không một người nào có thể hiểu được mọi thứ, làm hết được mọi việc. Ngay đến anh hùng, lãnh tụ cũng vậy: “Đem so với công việc của cả loài người trong thế giới, thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bổn phận mà thôi”[1]. Như vậy, phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh là thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, tập trung; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người chỉ rõ: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung[2]. Đồng thời, Người luôn tôn trọng dân chủ, đánh giá cao dân chủ như là một giá trị của sự phát triển xã hội con người. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: dân chủ là của quý của nhân dân, thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa dân chủ thành Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, được thể hiện rõ ràng việc xác định cách mạng Việt Nam là: “Cách mạng dân chủ nhân dân”; nhà nước ta là “Nhà nước dân chủ nhân dân”. Như vậy, phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh trước hết bắt đầu từ nhận thức một cách thấu đáo, toàn diện dân chủ với tư cách là một giá trị xã hội, một giá trị của con người và một giá trị để làm người. Để kiến thiết một xã hội trên nền tảng dân chủ thì phải đào tạo lớp lớp cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng về dân chủ, có phương pháp dân chủ và có phong cách làm việc tập thể - dân chủ.
Với phong cách tập thể - dân chủ, Hồ Chí Minh hết sức chú ý thực hiện và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng cũng như đối với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi người. Chẳng hạn, khi bàn cách làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt với một số cán bộ, Người nói: “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa”[3]. Nhiều lần, Người đã phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc. Do đó, Người nêu lên: “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng”[4]; hay Người khái quát về dân chủ bằng một mệnh đề giản đơn nhưng hết sức sâu sắc: “dân chủ là làm sao cho dân mở mồm ra”.
Trong thực tiễn dù ở cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, có uy tín tuyệt đối trong Đảng và trong nhân dân. Hồ Chí Minh vẫn giữ phong cách tập thể - dân chủ với Bộ Chính trị, với các cơ quan đảng và nhà nước, chú ý lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và người dân bình thường. Đến những năm cuối đời, Người vẫn thường làm việc với Bộ Chính trị vào ngày 1 và 15 hàng tháng để bàn bạc trao đổi tập thể về những công việc của Đảng và Nhà nước, cùng góp ý kiến phê bình một cách nhẹ nhàng thoải mái, nhưng hiệu quả. Hoặc nhiều bài viết của Người đã được chuyển đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đọc và góp ý kiến trước khi công bố. Người còn trao đổi với cả các đồng chí phục vụ hàng ngày về những bài báo ngắn, để sửa chữa những chỗ còn khó hiểu trước khi đăng. Người trân trọng ý kiến của mọi người không phân biệt chức vụ cao hay thấp. Trong công tác lãnh đạo, Người đã sử dụng nhiều cơ quan, nhiều tổ chức chuẩn bị những việc cần thiết. Trước khi ra bất cứ một quyết định gì Người đều hỏi lại cẩn thận, chu đáo những người đã giúp mình.  Đối với cán bộ, đảng viên, trước hết với những người ở cương vị lãnh đạo, Người đòi hỏi phải có phong cách làm việc tập thể - dân chủ thực sự chứ không phải giả tạo, hình thức để che lấp ý đồ xấu của cá nhân.
Phong cách làm việc tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh, còn thể hiện ở việc phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng, trong xã hội để có thể tận dụng tối đa nhất ý kiến của nhân dân, tâm sự của nhân dân, sáng tạo của nhân dân, trí tuệ của nhân dân và cách làm của nhân dân. Đồng thời, trong thực hành dân chủ rộng rãi như vậy thì bao giờ cũng nêu cao trách nhiệm của cá nhân. Khi bàn bạc, xem xét giải quyết một vấn đề thì tận dụng đến mức tối đa ý kiến của mọi người, kể cả ý kiến phản biện, phản đối. Nghĩa là trong bàn bạc đưa ra các chủ trương, chính sách quyết tâm lấy bằng hết các ý kiến của mọi người.  Tuy nhiên, trong những thời điểm then chốt liên quan đến sự thành, bại của địa phương, cơ quan, đơn vị, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khác hẳn những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể không dám quyết đoán, không nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân. Người nhấn mạnh: “Không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng cứ đưa ra bàn - mới là tập thể lãnh đạo…Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng mới cần tập thể quyết định”[5]. Hơn nữa, trong phong cách tập thể - dân chủ của Hồ Chí Minh là dân chủ bao giờ cũng gắn với kỷ cương, pháp luật, kỷ luật, phép nước. Dân chủ ở Hồ Chí Minh không phải là một loại dân chủ quá trớn, dân chủ ở Hồ Chí Minh bao giờ cũng chế định trong khuôn khổ nhất định, trong kỷ luật nhất định, cho nên ở Hồ Chí Minh càng dân chủ rộng rãi thì kỷ luật, kỷ cương, pháp luật càng phải nghiêm túc, nghiêm minh. Kỷ cương, kỷ luật, pháp luật, nghiêm túc, nghiêm minh là tạo ra môi trường xã hội thuận lợi để thực hành dân chủ tốt hơn.
Trong quan điểm chỉ đạo ở Nghị quyết Trung ương IV khóa XII của Đảng xác định: “… thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”[6]. Theo đó, việc học tập và làm theo phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp có hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Do đó, việc học tập và làm theo phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh, đó là sự đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đi sâu đi sát vào thực tiễn, gần gũi gắn bó với nhân dân, tôn trọng  phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Cũng như: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”[7]. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội trước hết phải xuất phát từ thực tiễn, “từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”[8]; mỗi cán bộ, đảng viên phải đau với nỗi đau của nhân dân, không được có thái độ thờ ơ, vô cảm lạnh lùng trước vận mệnh của những cá nhân cụ thể nơi mình sinh sống, học tập, công tác. Để họ không cảm thấy mình bị bỏ rơi, bơ vơ lạc lõng trong đời sống hiện nay.
Chúng ta đã và đang tiến hành cuộc sinh hoạt chính trị kiểm điểm phê bình và tự phê bình sâu rộng trong toàn Đảng đây không chỉ là sự hiện thực hóa quy luật phát triển Đảng trong đời sống hiện thực mà còn chính là nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhân dân mong cho Đảng ngày càng khỏe mạnh, ngày càng phát triển đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam trước thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đầy cam go thử thách. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và từng tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên”[9]. Làm tốt được vấn đề này, chính là chúng ta đã có được sự giám sát chặt chẽ của nhân dân; nhân dân sẽ là những chủ thể tích cực giám sát công tác xây dựng đảng, nhân dân sẽ nêu lên, chỉ ra được đích danh những cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng, chính trị, vô cảm với nhân dân. tai mắt của nhân dân sẽ nhìn thấy. những hạn chế, khuyết điểm của những cán bộ, đảng viên cụ thể mà chúng ta có thể không nhìn thấy./.



[1] Hồ Chí Minh, Sách đã dẫn, tập 5, Tr 256.
[2] Hồ Chí Minh, Sách đã dẫn, tập 5, Tr 620.
[3] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, sđd, t 10, tr.191.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t 5, tr.280.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t 5, tr.505.
[6] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr.35.
[7] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr.47.
[8] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr.47.
[9] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H 2016, tr.47.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét