Tây Nam Bộ còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long,
bao gồm 13 tỉnh, thành phố là: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng
Tháp, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang
và Cà Mau.
Tây Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người dân tộc
Khơme sống tập trung ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Tây
Nam Bộ có vùng biển rộng tiếp giáp với các nước trong khối ASEAN, với hơn 100
hòn đảo lớn nhỏ (trong đó 40 đảo có dân sinh sống); có 17 huyện chạy ven Biển
Đông bao bọc cả vùng Tây Nam Bộ với 700km bờ biển; có 339,6km biên giới trên bộ
tiếp giáp với Cămpuchia ở phía Tây Nam, gồm 7 huyện là: Đức Huệ, Mộc Hoá, Vĩnh
Hưng, Tân Hồng, Hồng Ngự, An Phú, Tân Châu; có ba cửa khẩu quốc tế và bốn cửa
khẩu quốc gia. Tây Nam Bộ còn có hải phận giáp với Thái Lan, Cămpuchia thuộc
hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Do vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nên đây là
vùng đất mà trong quá khứ kẻ thù đã nhiều lần xâm nhập để thực hiện mưu đồ
chống phá nước ta. Hiện nay, Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều bất cập trước yêu cầu về
phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, nhất
là khu vực nông thôn vùng lũ. Sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp xã
hội có xu hướng ngày càng gia tăng cũng là nguyên nhân sâu xa của những khác
biệt, mâu thuẫn và khả năng bất ổn chính trị ở khu vực Tây Nam Bộ.
Năm
2006 và sáu tháng đầu năm 2007, một số tổ chức phản động Khơme Crôm trong nước
Cămpuchia và ở nước ngoài đã hoạt động ráo riết, tác động mạnh đến các tỉnh Tây
Nam Bộ. Bọn chúng đã vu cáo về cái gọi là “Việt Nam lạm dụng nhân quyền đối với
người Khơme ở các địa phương Tây Nam Bộ”. Chúng bịa đặt rằng, "Chính phủ
Việt Nam đang thực thi chính sách phân biệt đối xử với người Khơme", rằng
"đồng bào Khơme không được tự do thực hiện các quyền tự do tôn giáo"
và "là đối tượng dễ bị bắt giữ"… Với những luận điệu vu cáo này, các
thế lực chống đối đã cố tình xuyên tạc cuộc sống hiện nay của đông đảo đồng bào
Khơme Nam Bộ, nhằm phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Đồng thời, chúng còn kích động, lôi kéo người dân Khơme ở Nam Bộ tham gia vào
các hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam với ý đồ là: ''giải phóng đất nước
Khơme Crôm, thoát khỏi ách thống trị của Việt Nam; xây dựng một nhà nước độc
lập có chủ quyền cho người Khơme Nam Bộ". Chúng còn tuyên bố, lãnh thổ
Khơme Crôm bao gồm toàn bộ khu vực Nam Bộ của Việt Nam với diện tích 67.700km2,
phía Bắc giáp Vương quốc Chămpa, phía Tây giáp Vương quốc Cămpuchia, phía Nam và
Đông Nam giáp Biển Đông, phía Tây và Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, với dân số 12
triệu người...
Trên
thực tế, từ nhiều năm nay, cuộc sống của người Khơme Tây Nam Bộ, cũng như các
vấn đề dân tộc, tôn giáo, luôn là đề tài bị các thế lực phản động sử dụng, gây
mâu thuẫn và phá vỡ khối đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam, tạo bất ổn ở các
địa phương vùng Tây Nam Bộ. Các thế lực thù địch hy vọng rằng, với những hành
động sai trái này, chúng sẽ nhanh chóng thực hiện được mưu đồ chia cắt lãnh thổ
của Việt Nam. Các thế lực chống đối còn toan tính dựng lên những câu chuyện bịa
đặt về các vấn đề nhân quyền liên quan đến đồng bào Khơme, nhằm phá hoại sự
đoàn kết các dân tộc ở khu vực Tây Nam Bộ; kích động người dân đòi cái gọi là
"tự do, độc lập cho người Khơme Crôm"; đòi ly khai thành lập nhà nước
riêng lấy tên là "Nhà nước Khơme Crôm"...
Thực
tiễn cho thấy, với chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc,
Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã giúp đồng bào Khơme đang ngày càng gắn
kết với các dân tộc anh em khác và đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp
xây dựng và phát triển của đất nước. Các quyền của các dân tộc, trong đó có dân
tộc Khơme, như: quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát
huy những phong tục, tập quán, truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình…
đều được tôn trọng và bảo vệ.
Sự
tôn trọng này được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam và thực hiện trong thực tế.
Đây chính là động lực, tạo sinh khí phấn khởi, giúp hơn 1,2 triệu đồng bào
Khơme vùng Tây Nam Bộ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, với Chỉ
thị 68/CT-TW của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơme, Nhà nước
đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho hơn 200 xã vùng đồng
bào Khơme, tạo điều kiện cho đồng bào và sư sãi trùng tu xây dựng 108 chùa, hỗ
trợ nhà ở ổn định cho trên 60 nghìn hộ Khơme nghèo, hơn 100 nghìn lượt hộ được
hỗ trợ đời sống và vốn sản xuất trên 150 tỷ đồng. Hơn 80% số hộ có phương tiện
nghe nhìn, được học chữ Khơme. Hàng năm, các lễ hội của người Khơme đều được tổ
chức trọng thể theo đúng truyền thống của dân tộc Khơme...
Hiện nay, các thế lực thù địch và bọn phản
động, cực đoan trong tôn giáo, dân tộc vẫn tiếp tục hoạt động chống phá, thực
hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, kích động “tự diễn biến” trong nội bộ, lợi
dụng những vấn đề nhạy cảm trong xã hội để kích động ly khai, gây mâu thuẫn nội
bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước... Do đó, mỗi chúng ta
cần cảnh giác, tỉnh táo, kịp thời vạch trần bộ mặt phản động, không để mắc mưu
lừa dụ, lôi kéo của chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét