Chân lý
Chủ nghĩa Mác - Lênin, sở dĩ có giá trị thời đại và sức sống bền vững, bởi bản thân nó hàm chứa những đặc trưng cho phép nó đi cùng thời đại. Ý nghĩa lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin có được, trước hết là do các nhà kinh điển đã kế thừa và phát triển sáng tạo những thành tựu của toàn bộ tư tưởng nhân loại trước đó. Nhưng giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, sở dĩ trở thành hiện thực, một mặt là do các nhà kinh điển đã biến nó thành một hệ thống mở bằng cách thổi vào nó một "linh hồn sống", mặt khác là do những người kế tục trung thành luôn biết làm mới nó như là một nhu cầu tự thân để phù hợp với sự biến đổi không ngừng của hiện thực khách quan; đồng thời để đáp ứng vai trò ngày càng tăng của nó đối với thực tiễn cuộc sống. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhắc lại rằng học thuyết của các ông không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”[1]. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sác-lơ Phuốc-ni-ô ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lê-nin”[2].
Thời đại ngày nay đã có những thay đổi to lớn, không chỉ so với thời đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, mà ngay cả so với giai đoạn V.I.Lênin. Trong khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, thì chủ nghĩa tư bản do tận dụng những thành tựu khoa học và công nghệ, trong một chừng mực nhất định lại tiếp tục có sự phát triển. Cùng với đó là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đi liền với nó là quá trình toàn cầu hoá và sự xuất hiện của kinh tế tri thức; vấn đề xung đột giữa các nền văn hoá và văn minh, sắc tộc, dân tộc và tôn giáo, đi liền với nó là sự nảy sinh của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và hiểm hoạ của một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao,...
Theo đó, để thực sự có thể "nắm bắt thời đại bằng tư tưởng" (theo cách nói của Hêghen) thì chủ nghĩa Mác - Lênin cần thiết phải có những bổ sung và phát triển tương ứng cho phù hợp với giai đoạn mới của thời đại. Nội dung, tầm vóc của những vấn đề cần bổ sung, phát triển có thể hết sức khác nhau, tuỳ theo từng trường hợp. Đó có thể là những vấn đề mà các nhà kinh điển chưa có điều kiện và thời cơ để giải quyết hoặc giải quyết chưa trọn vẹn. Đó cũng có thể là những vấn đề mà các nhà kinh điển đã giải quyết đúng đắn trên phương diện lý luận - phương pháp luận cơ bản, nhưng chưa có điều kiện làm rõ những biểu hiện cụ thể, sinh động của nó. Bên cạnh đó, còn có cả những vấn đề nhận thức lại (cho đúng) những tư tưởng kinh điển, nghiên cứu hợp lý hoá cấu trúc, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới.
Như vậy, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin không có nghĩa là phủ định nó, mà là tiếp tục làm sáng tỏ và khẳng định ý nghĩa lịch sử vĩ đại và giá trị thời đại to lớn của nó. Chính vì vậy, trong quá trình bổ sung, phát triển cần tránh và cảnh giác với những biểu hiện cực đoan, lệch lạc: hoặc là núp dưới chiêu bài "bổ sung, phát triển" chủ nghĩa Mác - Lênin để bác bỏ những nguyên lý cơ bản của nó, thay vào đó những tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, xét lại; hoặc là núp dưới khẩu hiệu "chống chủ nghĩa giáo điều" để "khái quát", cắt xén, thêm bớt một cách tuỳ tiện những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm mất đi bản chất cách mạng và khoa học vốn có của nó. Thực tiễn cho thấy, những khuynh hướng tư tưởng trên đây đã và đang trở thành một thực tế, đặc biệt nguy hiểm, vì thế, chúng ta phải có sự cảnh giác, đề phòng và kiên quyết đấu tranh nhằm bảo vệ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét