Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC “XÃ HỘI DÂN SỰ” ĐỘC LẬP Ở VIỆT NAM LÀ HOÀN TOÀN PHI LÝ

 

Cương Trực

Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhất là trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, vai trò của nhân dân ngày càng được khẳng định, được thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú. Nhân dân không chỉ bằng lá phiếu của mình để tổ chức nên bộ máy nhà nước, ủy quyền cho nhà nước thay mặt mình quản lý đất nước, quản lý xã hội, mà còn tự tập hợp thành các tổ chức đa dạng, như: theo tuổi tác, giới tính, theo nghề nghiệp, theo sở thích... để hỗ trợ lẫn nhau, để tăng thêm sức mạnh, hiệu quả trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình, để mở rộng giao tiếp, đáp ứng những nhu cầu xã hội, tinh thần phong phú của mình... Đó là các tổ chức xã hội dân sự.

Thành lập các tổ chức đó là cần thiết do tình trạng quan liêu, lạm quyền, tha hóa trong đội ngũ cán bộ nhà nước. Đặc biệt, trong các nhà nước tư bản, bộ máy nhà nước bị thao túng, chi phối, chính trị hóa bởi các tập đoàn tư bản, trở thành công cụ bảo vệ lợi ích cho họ, xâm phạm đến lợi ích của người lao động. Do đó, các tổ chức xã hội dân sự có xu hướng đối lập với nhà nước, trở thành một phần tất yếu của xã hội tư bản nhưng không phải là “tất yếu” đối với các quốc gia xã hội chủ nghĩa nhất là Việt Nam.

Tại Việt Nam, các tổ chức “xã hội dân sự” đang tồn tại dưới nhiều hình thức như: tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích; các tổ chức dịch vụ công không phải do Nhà nước lập ra… Các tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí, phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định của pháp luật và tích cực phối hợp hoạt động với Nhà nước. Chúng ta không phủ nhận vai trò nhất định của các tổ chức xã hội, hiệp hội, quỹ, diễn đàn,... nhất là khả năng tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội tại cộng đồng hay nhóm xã hội cụ thể; tập hợp nguyện vọng đa dạng của các tầng lớp trong xã hội phản ánh đến Đảng và Nhà nước; trực tiếp đứng ra cung ứng một số dịch vụ xã hội do Nhà nước ủy quyền, hoạt động trong khuôn khổ quy định pháp luật. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng thiết lập các tổ chức xã hội đa dạng theo ngành nghề, lợi ích, nhu cầu, nhân đạo, hữu nghị, sở thích... và không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật để phát huy vai trò của các tổ chức này thật sự có ích cho xã hội, cho người dân. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thật sự có nhiều đóng góp cho cộng đồng, phát triển xã hội, tôn trọng pháp luật Việt Nam đều được tôn trọng, khuyến khích. 

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tất yếu trong tiến trình phát triển, nước ta phải có các tổ chức “xã hội dân sự” đối lập với nhà nước. Bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thật phi lý khi cổ vũ cho việc tạo ra sự đối lập giữa các tổ chức xã hội do nhân dân lập ra với nhà nước cũng do nhân dân lập ra để thay mặt nhân dân quản lý đất nước, quản lý xã hội, để phục vụ nhân dân.

Những người cổ vũ cho “xã hội dân sự” ngụy biện rằng “xã hội dân sự” có tính “độc lập” với Nhà nước và không mang bản chất giai cấp, nhưng thực tế lại cho thấy đều mang tính chính trị, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống Đảng và Nhà nước. Việt Nam không kỳ thị, không ngăn cản việc người dân lập hội, tham gia các tổ chức nhưng tất cả các hội nhóm, đoàn thể đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động núp bóng thành lập “xã hội dân sự” để sản sinh ra các hội, nhóm chống đối Đảng và Nhà nước đều là vi phạm, cần phải chấn chỉnh và loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa