Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

KHÔNG AI CÓ QUYỀN XUYÊN TẠC DI CHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm. Những lời căn dặn của Người đối với Đảng và nhân dân ta thể hiện trên những nội dung chính, bao gồm: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, xây dựng đất nước sau chiến tranh, đoàn kết quốc tế... thế nhưng thời gian qua, một kẻ đã lợi dụng, thậm chí còn cố tình xuyên tạc cả những điều thiêng liêng mà Người đã căn dặn trong bản Di chúc rồi quy kết Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay đang làm trái di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không tương xứng với vai trò của một Đảng cầm quyền. Những luận điệu đó thực chất nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy nhận định này hoàn toàn sai lầm, thể hiện ít nhất qua 3 vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “chủ nghĩa xã hội”, “xã hội chủ nghĩa” hoặc các vấn đề liên quan đến đảng cộng sản.

Trong bản Di chúc viết năm 1965, đoạn nói về đoàn viên thanh niên, Hồ Chí Minh viết: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa ‘chuyên’". Câu này cũng được Hồ Chí Minh lặp lại ở bản Di chúc viết năm 1969.

Còn trong bản năm 1968, Người khẳng định những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Cũng trong năm này, người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Chúng ta hiểu rằng đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng vô sản để tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã nêu “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Vì vậy, không có lý gì Hồ Chí Minh vẫn khẳng định vai trò cầm quyền mà không khẳng định mục tiêu đó của Đảng.

Ngay cả trong phần mở đầu của bản Di chúc viết năm 1965, Hồ Chí Minh đã nêu: “Tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Điều này xác lập rõ lý tưởng cách mạng cao đẹp của Người, đó là suốt đời trung thành với lý tưởng cộng sản do Mác, Lênin sáng lập và phát triển.

Thứ hai, Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập các nội dung, yêu cầu mà Đảng phải thực hiện, qua đó khẳng định mục tiêu cao đẹp của Đảng ta là phải lãnh đạo xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Hồ Chí Minh đã có nhiều định nghĩa về chủ nghĩa xã hội bằng cách xác định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chỉ rõ phương hướng, phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Trong hơn 20 định nghĩa về chủ nghĩa xã hội thống kê được thì hơn 2/3 định nghĩa thuộc loại này. Chẳng hạn, Hồ Chí Minh hỏi: "chủ nghĩa xã hội là gì" và Người tự trả lời "là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng tự do", "là đoàn kết, vui khỏe"... Người cũng định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách xác định động lực xây dựng nó, chẳng hạn đã nêu: "Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy"…

Như vậy, Hồ Chí Minh thường đi vào nội hàm của chủ nghĩa xã hội với những mục tiêu, phương thức, cụ thể, chứ ít khái quát bằng các lý luận.

Mục tiêu cách mạng cũng đã được khẳng định trong Điều lệ Đảng, được thông qua tại Đại hội III (năm 1960): “Đảng đại biểu quyền lợi của giai cấp công nhân, đồng thời đại biểu quyền lợi của nhân dân lao động và quyền lợi của dân tộc. Mục đích của Đảng là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam”. Đây là một trong hai kỳ đại hội mà Hồ Chí Minh giữ vai trò Chủ tịch Đảng.

Cũng trên tinh thần đó, trong Di chúc năm 1965, Người viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Trong bản Di chúc viết năm 1968, Hồ Chí Minh bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Người khẳng định: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Người đã nhắc đến các đối tượng: “những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), “các liệt sĩ”, cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ)”, “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”, phụ nữ… Và đây, lời nhắn nhủ đối với người vốn bị coi là tầng lớp “dưới đáy xã hội”, đặc biệt trong xã hội tư bản thì không bao giờ được quan tâm, chăm sóc, nhưng Hồ Chí Minh lại dặn dò rất kỹ: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Điều đó khẳng định tình yêu thương con người bao la của một người cộng sản, một người cách mạng suốt đời trung thành, tận tụy và không ngừng phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp đó.

Ở phần tiếp theo, Người nêu rõ ràng hơn, cụ thể hơn: “Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Điều đó hoàn toàn trùng khớp với mong mỏi của Người như ở bản Di chúc viết năm 1969: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Và, điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc năm 1965 và năm 1969). Điều đó càng khẳng định mục tiêu xây dựng đất nước theo tư tưởng của Hồ Chí Minh là từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Thứ ba, Hồ Chí Minh nhắc đến yêu cầu đoàn kết của phong trào cộng sản trên thế giới.

Câu cuối cùng trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản ghi: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Khẩu hiệu này đã được Lênin phát triển thành: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”. Đây là một phương châm hành động mang tính chiến lược của phong trào cộng sản và công nhân thế giới.

Vì vậy, không có gì lạ khi Hồ Chí Minh không ngừng trăn trở về yêu cầu đoàn kết của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những năm 1960, các nước xã hội chủ nghĩa đã có nhiều vấn đề thiếu đoàn kết, thậm chí có lúc bất hòa với nhau, giữa các nước Đông Âu, giữa Liên Xô và một số nước Đông Âu, giữa Liên Xô và Trung Quốc… Sự thiếu đoàn kết đó không chỉ làm suy yếu bản thân từng nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào cộng sản ở chính các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước khác.

Trong bản Di chúc viết năm 1965 và năm 1969, trước khi nói về “việc riêng”, Hồ Chí Minh dành một đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới, “là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Tức là trong 4 năm đó, Người vẫn đau đáu với những vấn đề nội tại của các nước xã hội chủ nghĩa; trên thực tế, sự mất đoàn kết không có dấu hiệu giảm đi mà ngày phức tạp.

Nếu không phải một người trung thành với lý tưởng cộng sản thì liệu Hồ Chí Minh có nặng lòng với các vấn đề đó và luôn giữ sự trăn trở đó cho đến cuối đời?

 

 Phương Ngọc

3 nhận xét:

  1. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thực chất nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác.

    Trả lờiXóa
  2. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, Đảng viên phải có nhiệm vụ đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi người dân Việt Nam cần tỉnh táo trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không để chúng lợi dụng, lôi kéo, kích động tiến hành các hoạt động bất hợp pháp.

    Trả lờiXóa