Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Họ có xứng đáng để được bênh vực?

Ngày 6-2-2018, Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Hoàng Đức Bình, và người này bị tuyên phạt tổng cộng 14 năm tù về các tội “Chống người thi hành công vụ”, “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân”.
Bản án với Hoàng Đức Bình là đúng người, đúng tội, vì Hoàng Đức Bình là thành viên cốt cán của cái gọi là “phong trào lao động Việt” - tổ chức phản động do Trần Ngọc Thành ở Ba Lan cầm đầu, dựng lên để chống phá Việt Nam; Hoàng Đức Bình còn có nhiều hành vi khác như rải tờ rơi tại TP Hồ Chí Minh; tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm (Điều 27, Nghị định 159/NĐ-2013); đặc biệt, vào lúc Chính phủ, chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan đang tìm cách khắc phục hậu quả, yêu cầu Formosa đền bù thiệt hại đã gây ra thì với danh nghĩa là “bảo vệ quyền lợi cho ngư dân”, Hoàng Đức Bình ra sức kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự, tổ chức chặn xe trên quốc lộ 1A, liên tục phát trực tiếp hình ảnh, lời lẽ vu khống lực lượng chức năng, xuyên tạc sự thật, kích động bạo loạn…
Vi phạm pháp luật phải xử lý, chịu hình phạt của pháp luật, đó là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức, quản lý xã hội ở mọi quốc gia văn minh, song đáng tiếc là trong khi các tổ chức, cá nhân vốn “một đồng, một cốt” với Hoàng Đức Bình lên tiếng phản đối thì một số cá nhân đại diện chính cũng lại lên tiếng tương tự, như: bà Barbel Kofler - quan chức đặc trách về nhân quyền của Chính phủ CHLB Đức, bà Heather Nauert - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ,… coi các điều luật xét xử Hoàng Đức Bình là “mơ hồ”, coi hành vi vi phạm pháp luật của người này là “thực hiện các quyền cơ bản”, yêu cầu Việt Nam trả tự do cho Hoàng Đức Bình. Lập tức các tuyên bố này được VOA, BBC, ,… cùng trang mạng của các thế lực thù địch triệt để khai thác, họ ngỡ điều đó sẽ tạo sức ép nhằm buộc Việt Nam phải hủy bỏ bản án!
Khi đưa ra các tuyên bố như vậy, dường như đại diện một số quốc gia đã quên rằng Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, có hệ thống pháp luật riêng để tổ chức, quản lý xã hội của mình? Quan trọng hơn, dường như họ không quan tâm xem xét mấy người mà họ đứng ra bảo vệ là ai? Nếu quan tâm, họ sẽ thấy kẻ được họ coi là “đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người dân” luôn cố tình vi phạm pháp luật, đến khi bị chính quyền xử lý thì làm rùm beng để được “nước ngoài” bảo vệ, và đích cuối cùng là được định cư ở nước ngoài. Vì thế, sau khi được định cư, họ cũng nhanh chóng tảng lờ luôn “quyền lợi chính đáng của người dân”. Với mấy kẻ như vậy, “dân chủ, nhân quyền” chỉ là phương tiện để đạt mục đích ích kỷ, và khi mục đích đạt được rồi thì ngay cả cha mẹ, anh em cũng chẳng có ý nghĩa gì, như ngày 31-1-2018, trên đường sang Mỹ nhập cư, “nhà dân chủ” vào hàng gạo cội là Trương Minh Tam viết trên facebook: “Tôi không buồn, không vui. Tôi cũng không nhớ bố, mẹ và những người thân. Với bố mẹ, họ đã già và tôi đã làm đám ma cho họ rồi để tôi và họ cùng bình yên chia tay nhau. Với anh em cũng thế, họ phải sống cuộc sống của họ và tôi sống cuộc sống của tôi”! Thử hỏi những kẻ như thế có xứng đáng được bênh vực?
Theo Báo Nhân dân - Ấn phẩm Thời nay

1 nhận xét: